1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cáp treo Bà Nà - Chuyện bây giờ mới kể

(Dân trí) - Bám rừng Bà Nà ròng rã cả năm trời, biết bao kỷ niệm đáng nhớ đã có trong 12 tháng thi công cáp treo ấy. Có lần, mưa rừng lớn cả tuần, không còn gì để ăn …

Rất nhiều người dân ở khu vực Bà Nà buông lời hoài nghi khi gặp gỡ những đại diện đầu tiên của Sun Group vào “nằm vùng”, tiến hành khảo sát cho công trình cáp treo số 1, dự kiến sẽ hoàn thành sau 12 tháng. Vì sao họ hoài nghi ư? Chả có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đến với ý tưởng sẽ làm cáp treo hoành tráng ở đây, họ “giơ tay vẽ giữa rừng xanh” ra điều vĩ mô lắm, rồi sau một vài lần, lặng lẽ bỏ cuộc chơi không quay lại đó sao? Hoài nghi và không tin được, rằng lại có phép màu nào đó để chỉ sau một năm trời. Một công trình cáp treo sừng sững sẽ mọc lên nơi rừng xanh núi đỏ, nơi núi non hiểm trở, khắc nghiệt, tuy đẹp mà vẫn rất ít người qua lại, bởi “Chưa đi chưa biết Bà Nà, đi rồi mới biết ở nhà sướng hơn?!”
Cáp treo Bà Nà - Chuyện bây giờ mới kể


10 con người của Sun Group được giao nhiệm vụ lên với Bà Nà để bắt tay vào làm cáp treo chính là 10 con người đã từng thành công với công trình cáp treo vượt biển dài nhất thế giới tại Vinpearl – Nha Trang. Và theo họ, làm cáp treo vượt biển đã khó, nay đến Bà Nà, sau một chuyến khảo sát, thì họ biết, họ đang đứng trước một nhiệm vụ sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Không thể nói là tuyệt nhiên không có nghi ngờ, hoang mang hay thậm chí là nản lòng khi đứng trước Bà Nà đẹp mà hiểm trở và khí hậu đỏng đảnh như cô con gái biết rằng mình đẹp, mình có quyền làm khổ người ta! Nhưng, tuyệt nhiên không có bàn lùi. Mọi người bảo nhau, chúng ta đang cưỡi trên lưng, không phải con hổ để còn nghĩ tới chuyện tụt xuống hay văng ra, mà chúng ta đang cưỡi con rồng, và chỉ có tập trung để đến đích mà thôi. Và thế là những ngày đêm đáng nhớ bắt đầu. Đội khảo sát thực hiện những công đoạn đầu tiên, khai màn cho các công việc tiếp theo, dài dằng dặc và khẩn trương, liên tục. Độ dốc là 30%, có những chỗ muốn di chuyển phải dùng dây, thang bằng dây thừng tự chế để kéo nhau lên. Tuyến cáp nhất định phải thẳng. Cáp treo đi đi qua chỗ nào thì người phải qua chỗ đó để khảo sát, phải dựa vào các mỏm đá mà đu lên. Vật tư mang vào để thực hiện khảo sát cũng rất khó khăn.
Cáp treo Bà Nà - Chuyện bây giờ mới kể

Bám rừng Bà Nà ròng rã cả năm trời, biết bao kỷ niệm đáng nhớ đã có trong 12 tháng thi công cáp treo ấy. Có lần, mưa rừng lớn cả tuần, không còn gì để ăn, một tổ 5 người chuyên gùi lương thực rất cố gắng để “chi viện” cho đồng đội, tuy nhiên gặp mưa thì đồ ăn phải để hết ngoài đường và bị hỏng, vì mưa to, nước chảy như thác lũ, không thể vào được. Vậy là người bên ngoài xót xa nhìn đồ ăn hỏng, còn bên trong rừng thì anh em phải mò cua bắt cá qua bữa.

Có đêm, buổi chiều, anh em nhìn cái cây cao 30, 40m, không nằm ở khu vực lán trại nhưng có nguy cơ đổ, đã có phần e ngại, nhưng lệnh là: “Giữ tối đa rừng Bà Nà, không chặt phá khi thi công”. Vậy là đêm đến, gần 12h đêm, mưa to, nghe tiếng rắc rắc, nhưng không xác định được phương hướng, anh em hô nhau xuống võng, nấp ở chỗ an toàn. Cây đổ xuống lán nhưng không ai bị thương vì đã sơ tán trước, hú vía, thoát chết nhưng rét run cầm cập vì lán đi đường lán…

Phía đối tác Doppelmayr, khi sang Việt Nam giám sát công trình, thấy việc vận chuyển nguyên vật liệu vào tuyến “theo kiểu Việt Nam” đã vô cùng kinh ngạc, vì việc vận chuyển ở đây chỉ bằng cáp công vụ và thủ công, còn ở các nước khác, khi làm cáp treo, họ chuyển mọi thứ bằng… trực thăng! Chính vì vậy, đại diện nhà sản xuất cáp treo lừng danh Doppelmayr đã nói với lãnh đạo của hãng: “Không đến thì không thể tin được, họ đã làm công trình này sáng tạo như thế nào đâu”.
Cáp treo Bà Nà - Chuyện bây giờ mới kể

Còn rất nhiều điều không thể kể hết ở đây về những khó khăn khi xây dựng tuyến cáp treo số 1 và 2 tại Bà Nà – tuyến cáp treo đã được Tổ chức Guinness World Records đã chính thức công nhận đạt 2 kỷ lục Guinness thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). Ngoài ra, cáp treo này còn giữ kỷ lục về nhà ga xuất phát có diện tích sàn lớn nhất Đông Nam Á.

Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, cáp treo Bà Nà  số 1 và 2 gồm 24 trụ, 94 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ - những con số ngắn gọn và ấn tượng đã nói lên khá nhiều điều về tuyến cáp số 1 và 2. Nhưng chắc chắn, ngoài những con số ấy, bạn sẽ  nghĩ rất nhiều về ý chí, về sự sáng tạo của người Việt nam, khi đến với “đường lên tiên cảnh” trên tuyến cáp treo này.

 

Minh Hương