“Cần phải đánh thức mảng văn học về nông thôn đang ngủ quên”

(Dân trí) - Sáng 26/4, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay đã phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên.

Cuộc thi nhằm mục đích tìm kiếm, chọn lọc và trao giải cho các truyện ngắn xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; Tôn vinh người nông dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo ở nông thôn mới; Bảo vệ, phát huy các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê, nông thôn, đồng thời phê phán những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa đối với làng quê Việt Nam.

“Cần phải đánh thức mảng văn học về nông thôn đang ngủ quên” - 1

Nhà báo Lưu Quang Định phát biểu tại buổi lễ phát động.

Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay cho rằng, "nông thôn là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động... Tuy nhiên, đáng tiếc là mảnh đất màu mỡ ấy dường như đang bị bỏ quên, văn học Việt thời gian gần đây đang dần thiếu vắng các sáng tác về nông thôn, các nhà văn dường như ngày càng ít quan tâm đến đề tài này".

"Vì thế, Báo Nông thôn Ngày nay có sáng kiến phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông thôn Việt mang tên “Làng Việt thời hội nhập”, với tinh thần chung sức phát động một chặng đường sáng tác, đánh thức mảng văn học về nông thôn dường như đang ngủ quên”, ông Định nói.

“Cần phải đánh thức mảng văn học về nông thôn đang ngủ quên” - 2

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - PCT Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, từ khi nền văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện, ngay từ những truyện ngắn đầu tiên của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên cho tới những tác giả sau này như Nguyễn Khắc Trường, Trương Hướng hay tới những tác giả trẻ hơn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư... tác phẩm xuất sắc nhất của họ đều về nông thôn.

"Tôi nghĩ rằng, đây là đề tài có sức hút mạnh mẽ, có vô vàn yếu tố để khai thác và thể hiện. Nhưng cho tới nay, những tác phẩm được coi đặc sắc và hấp dẫn về nông thôn mới, về người nông dân thời hội nhập, tay cầm smartphone, chỉ đạo cả một khu chăn nuôi rộng lớn lại chưa thấm tháp vào đâu với sự phát triển", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Còn nhà văn Tạ Duy Anh cho biết, ở thời của ông, làng là một không gian nhỏ hẹp với mọi người, bước ra khỏi làng là một thế giới khác. Nhưng hiện tại thì khác, trong làng này có hình ảnh ở làng kia. Trong một thế giới phẳng, chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết.

Làng đã thay đổi về hình thù, về cơ sở vật chất, quan trọng hơn, là những biến đổi về tinh thần, về văn hóa. Bản thân  nhà văn Tạ Duy Anh mỗi khi trở về làng quê đều cảm thấy sợ hãi trước sự biến đổi đến chóng mặt. Trong đó, ông có nỗi sợ hãi mơ hồ về những yếu tố văn hóa truyền thống đang dần mất đi cùng sự phát triển của kinh tế. 

"Tôi mong qua cuộc thi này, các nhà văn sẽ phản ánh phần nào để tôn vinh văn hóa làng, cảnh báo xã hội về sự tan nát, sự "nhiễm độc" của các vùng quê. Sự ô nhiễm về tinh thần ấy không được ngăn chặn thì chúng ta sẽ trở nên bế tắc", nhà văn Tạ Duy Anh mong muốn.

Cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm