Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
(Dân trí) - Cách đây tròn 10 năm, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Trường Sa “Biển xanh màu lá” được thưởng thức cái Tết đầu tiên giữa trùng khơi. Cái Tết đầu tiên trên đảo vừa lạ lẫm, hài hước vừa giản tiện về vật chất đã để lại những ấn tượng khó quên...
Thiên nhiên khoáng đạt, đẹp lãng mạn qua con mắt của kẻ lần đầu đặt chân đến với tâm hồn nhiều xao động. Tình cảm giữa người lính vốn đoàn kết, mộc mạc thì với người lính sống giữa trùng khơi sợi dây gắn bó càng khăng khít hơn. Sự vui nhộn, hồn nhiên của những người lính trẻ cũng bộc lộ qua những nét sáng tạo đời thường từ việc gọi con chó là con “gâu gâu”, chép thơ truyền tay nhau thay cho điện thoại, Internet…
Nét vui nhộn, đầy sáng tạo của người lính đảo càng có dịp bộc lộ trong những ngày Tết. Vì quá xa xôi nên cái Tết ở Trường Sa mang ý nghĩa về mặt tinh thần là chính còn để đầy đủ phong vị Tết như trên đất liền là điều khó thực hiện. Người lính đảo thường đón xuân với dây xúc xích, thực phẩm khô… Sự xuất hiện của bánh chưng cũng khá hiếm hoi vì tàu ra trước Tết gần một tháng, lá dong dù bảo quản khéo đến mấy thì đến khi đem gói cũng úa nẫu hết cả. Tôi còn nghe kể, những năm trước có người nghĩ ra cách gói bánh chưng bằng lá bàng đến khi ăn lá ám đắng ngắt không ăn được. Mâm ngũ quả ngày Tết với đầy đủ chuối, bưởi, cam quýt…cũng là điều quá xa xỉ với cái Tết nơi hải đảo.
"Biển xanh màu lá" của Nguyễn Xuân Thủy được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về Trường Sa
Không dừng lại đó, mọi người còn bảo nhau lấy khúc phi lao chết khô giả cành đào, rồi lấy vỏ bao bằng ni - lông xanh cắt ra gắn lên làm lá. Đặc biệt, phần nụ đào có người sáng kiến lấy những cuộn giấy vệ sinh được phát dúng nước vo viên lại để nặn hình. Những cuộn giấy ngày đó đều màu hồng. Vậy là dưới bàn tay sáng tạo của người lính trẻ, cành đào, mâm ngũ quả ngày Tết xuất hiện đầy đủ và sinh động. Cũng thêm một kỷ niệm vui nữa là, kết quả chấm điểm trang trí Tết của các bộ phận trên đảo năm ấy, bộ phận ra - đa của chúng tôi giành giải nhất. Cũng qua lần cùng anh em thực hiện trang trí và nặn mâm ngũ quả ấy, mọi người phát hiện ra tôi có tài lẻ về cắt dán, trang trí nên mỗi dịp hội hè, lễ lạt gì, anh em ở các bộ phận khác lại đến “nhờ vả”.
Còn tôi mỗi lần nhớ về cái mâm ngũ quả đặc biệt ấy, lại nhớ đến đêm giao thừa đầu tiên trên đảo. Khi mọi người đã đi ngủ hết, sau phiên trực của mình, một mình tôi lang thang ra cầu Cảng phóng tầm mắt ra sóng nước vời vợi mà thấp thỏm, chộn rộn trước giờ chuyển giao sang năm mới. Theo thói quen, với tay tôi định hái một cành lộc mang về phòng nhưng rồi lại tần ngần không dám hái. Cây xanh ngoài đảo được người lính quý lắm…
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Tác phẩm đầu tiên anh viết về người lính biển là truyện ngắn Hoa biển đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội khi chưa đặt chân đến Trường Sa. Đó là tác phẩm văn học đầu tiên của anh được đăng báo và đó cũng chính là động lực, dấu mốc thôi thúc anh theo đuổi con đường cầm bút. Sau này, lần lượt những tác phẩm văn học về Trường Sa ra đời bằng sự cảm nhận của một anh lính đang sống và làm việc ở chính nơi đầu sóng ngọn gió… Biển xanh màu lá được thai nghén trong những năm 2003-2006, ra mắt độc giả năm 2008 được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về Trường Sa với lối kể chuyện khoáng đạt và giản dị. Cuốn tiểu thuyết như nhật ký của một người lính đã có hai năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng của đất nước. Nhận xét về cuốn tiểu thuyết đậm chất lính này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Biển xanh màu lá đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta…”. Nhận nhiều phản hồi tốt từ đồng nghiệp, bạn đọc và đặc biệt là những người lính Trường Sa về Biển xanh màu lá, năm 2011 này, cây bút trưởng thành từ Trường Sa tiếp tục xuất bản cuốn sách dành cho các em thiếu nhi với tựa đề Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa. Cùng với đó, tiểu thuyết Biển xanh màu lá cũng mới được NXB Phụ nữ tái bản… Ngoài hai tựa sách trên, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã in nhiều cuốn khác như: Trong mênh mang bầu trời (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2007); Dòng đời cuộn chảy (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2008); Khát vọng dưới đỉnh Fansipan (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2009); Sát thủ online (Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân, 2010)… Bên cạnh đó, anh cũng nhận được khá nhiều giải thưởng: Giải ba bút ký văn học - Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2004, giải ba truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 2009, giải C (không có giải A) tặng thưởng Báo chí - Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009) cho tiểu thuyết Biển xanh màu lá, giải nhì (không có giải nhất) bút ký văn học - Tạp chí Nhà văn 2008, giải A cuộc thi tiểu thuyết với đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2007-2010)… Hiện nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đang công tác tại NXB Quân đội nhân dân với vai trò biên tập viên Phòng sách văn nghệ kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Quân Sự. |