Các nhạc sĩ gửi “đơn kiện” lên Chủ tịch nước
(Dân trí) - “Nhân dân ghi nhận là bằng trái tim mọi người, nhưng Nhà nước ghi nhận là bằng dấu son trong cuộc đời sự nghiệp sáng tác của một nhạc sĩ”, nhạc sĩ Đoàn Bổng bày tỏ về việc ông cùng nhiều nhạc sĩ khác làm đơn kiến nghị vượt cấp lên Chủ tịch nước.
Không còn là lá đơn tập thể như trước, 11 nhạc sĩ Hà Nội và TPHCM đã làm đơn riêng cùng kiến nghị vượt cấp lên Chủ tịch nước về sự không minh bạch của Hội đồng cấp cơ sở Hội nhạc sĩ Việt Nam về việc xét giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc năm nay.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai
Không muốn cứ ngồi mà chờ đợi, các nhạc sĩ đồng loạt gửi đơn kiến nghị vượt cấp lên Chủ tịch nước với hi vọng mọi việc được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng. Người “nổ phát sung đầu tiên” là tác giả Huế - tình yêu của tôi - Trương Tuyết Mai. Bà là người đầu tiên gửi đơn kiến nghị dài 6 trang lên Chủ tịch nước, tiếp đó là nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhạc sĩ Văn Thành Nho… và giờ là 5 nhạc sĩ Hà Nội cũng đồng lòng gửi đơn vượt cấp.
Theo nhạc sĩ Đoàn Bổng, nội dung đơn kiến nghị vẫn nằm ở các nội dung chính nói lên những bức xúc về Hội đồng cấp cơ sở - Hội Nhạc sĩ Việt Nam quanh bản danh sách 28 đề cử nhạc sĩ cho Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực âm nhạc. Trong đó, yêu cầu chung nhất là các nhạc sĩ mong muốn Hội đồng cấp cơ sở cần phải chứng minh sự minh bạch, công tâm của mình bằng việc đưa ra Biên bản cuộc họp xét duyệt các ngày 20 đến 22/12/2010.
11 nhạc sĩ bày tỏ, họ đều đề xuất hủy bỏ danh sách Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở cũ, và kết quả cũ, kể cả kết quả 28+6 (Hội đồng cấp cơ sở xét duyệt thêm 6 nhạc sĩ vào danh sách 28 người cũ) để làm lại từ đầu cho chính xác.
5 nhạc sĩ Hà Nội Đinh Quang Hợp, Đoàn Bổng, Thế Song, Lê Việt Hòa, Ngọc Khuê cũng sẽ đồng loạt gửi đơn kiến nghị vượt cấp
Trước dư luận, đặc biệt ý kiến của nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng việc các nhạc sĩ đi kiện là “xấu hổ vì kiện cáo”, nhạc sĩ Đoàn Bổng bức xúc: “Tôi nghĩ, nếu người đó bảo người đi kiện là xấu hổ thì họ sẽ phải tự thấy xấu hổ trước vì cách đây 4 năm, họ cũng tham gia vào việc kiện để nhạc sĩ Trọng Bằng không được xét giải Hồ Chí Minh”. Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng trần tình, các nhạc sĩ năm nay không đi kiện mà chỉ đấu tranh để tìm lại công bằng và người xứng đáng.
“Nhân dân ghi nhận là bằng trái tim mọi người, nhưng Nhà nước ghi nhận là bằng dấu son trong cuộc đời sự nghiệp sáng tác của một nhạc sĩ. Chúng tôi đấu tranh để những người xứng đáng được ghi nhận, đấu tranh cho mục đích trong sáng thì có gì là xấu”, ông phản ứng trước ý kiến cho rằng “nhạc sĩ chỉ cần giải thưởng từ lòng yêu mến của công chúng là đủ”.
N.H