Bùi Công Duy - Trinh Hương: Làm gì cũng phải “ra tấm, ra món”
(Dân trí) - Về định cư ở Hà Nội được hơn hai tháng, vợ chồng nghệ sĩ Công Duy và Trinh Hương dù chưa quen hết từng con phố và nếp sống ở Hà Nội nhưng cả hai người đều đang lên kế hoạch chinh phục dòng nhạc cổ điển ở Việt Nam trong vai trò giảng viên của Nhạc viện Hà Nội.
Năm nay anh chị có dự định nào ngoài việc nhận làm giảng viên ở Nhạc Viện Hà Nội?
Thực ra, mới về Hà Nội nên Công Duy và Trinh Hương vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào lớn lao. Hiện tại cả hai người đều bước sang một giai đoạn mới - đi làm vì từ trước đến giờ cả hai người đều tập trung hoàn thành việc học tập.
Khi trở về Việt Nam, Duy và Hương lại bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới, làm quen với một xã hội rất khác so với xã hội lúc mình đi học. Đây là thời kì được coi như sự khởi động dần dần và mọi thứ coi như mới bắt đầu để lựa xem mình thích hợp đến đâu.
Dự định của Công Duy và Trinh Hương năm nay có lẽ là cố gắng tổ chức một chương trình trình diện với mọi người, với thầy cô, bạn bè và khán giả về kết quả học tập cũng như việc mình về đây công tác. Hơn nữa nó cũng tạo cho mình cảm hứng luôn luôn có hoạt động biểu diễn để không quên nghề.
Là những giảng viên mới, anh chị nhận xét thế nào về lớp trẻ đang học nhạc cổ điển?
Có nhiều em học rất khá và có lòng đam mê thực sự với nghề. Nhưng có một điều bọn mình thấy hơi tiếc là khi học lên cao, nhiều người có suy nghĩ rằng chuyên ngành âm nhạc cổ điển không phát triển được, cho nên trong thâm tâm bố mẹ không muốn cho con học hết. Họ thường chọn hướng và chuyển con mình sang học đại học về kinh tế hoặc một trường nào đó không dính đến nghệ thuật.
Chính vì cha mẹ tư duy như thế nên đứa trẻ khi học cũng không phấn đấu hết sức, không toàn tâm toàn ý. Và khi học lên cao hơn thì trình độ đã bị mai một rất nhiều dù hiện tại các em ở lớp sơ cấp hầu hết đều học khá.
Là những người đã từng trải qua thời gian chọn lựa đó, anh chị cảm nhận thế nào?
Thời điểm Duy và Hương đi học, điều kiện học tập khó khăn hơn hiện nay rất nhiều, Việt Nam lúc ấy vẫn còn quá nghèo, mình tập đàn mà nhà vẫn còn dùng đèn dầu và mẹ ngồi quạt cho muỗi khỏi đốt.
Nhưng lúc đấy, mọi người lại không nghĩ đến vấn đề kinh tế nhiều. Ngay cả bố mẹ cũng đều rất say mê nghệ thuật, luôn mong con mình sẽ theo nghệ thuật đến cùng. Bố mẹ cũng không nghĩ sau này con mình ra ngoài đời có kiếm được nhiều tiền hay không mà luôn mong con mình đánh đàn giỏi để được như những gì chú Đặng Thái Sơn từng mang về cho đất nước. Khi đó lại có chuyên gia nước ngoài sang tuyển nên bọn mình có mục đích phấn đấu chứ không có khái niệm học để biết và sau đó sẽ chuyển sang ngành khác.
Tương lai của nhạc cổ điển ở Việt Nam sẽ thế nào nếu như những người tâm huyết theo đuổi nó có vẻ cứ ngày càng thưa thớt hơn?
Khách quan mà nói, nhạc hàn lâm Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Nên ngoài những yếu tố khác, cá nhân mỗi người nghệ sĩ đều phải cố gắng làm tốt bổn phận của mình để mang đến cho công chúng những sản phẩm chất lượng cao. Ngày nay, điều kiện học tập đã thuận lợi hơn rất nhiều so với ngày xưa nhưng để phát triển được hay không thì còn do bản thân người học và xã hội có chấp nhận chuyên ngành nhạc cổ điển của mình như thế nào
So với Việt Nam, việc theo đuổi dòng nhạc hàn lâm ở nước ngoài sẽ dễ dàng để phát huy tài năng hơn. Vậy, lí do nào khiến anh chị chọn Hà Nội để theo đuổi đam mê nghệ thuật?
Duy và Hương chọn Hà Nội đơn giản là muốn thử sức ở một môi trường làm việc rất khắc nghiệt và khó khăn. Dù trong thâm tâm, ai cũng thích điều kiện làm việc tốt nhưng đôi khi, bọn mình lại muốn khám phá chính bản thân xem mình có thể vượt qua sự khó khăn được hay không. Hai vợ chồng còn trẻ nên vẫn còn có nhiều cơ hội để thay đổi chính mình.
Hơn nữa, chọn Hà Nội đơn giản từ xưa bọn mình đã rất yêu Hà Nội tuy xa nhà từ bé. Về đến Hà Nội, cả hai đều có cảm giác như cá về với nước. Còn ở nước ngoài, mỗi người đều luôn ý thức đó là môi trường tốt chỉ để mình học tập. Dù thế nào cũng mãi có cảm giác là khách. Vì thế, cả hai đều thích về nhà để gần gia đình, bạn bè và cảm nhận thêm sự ấm cúng của Hà Nội.
Đã bao giờ cả hai nghĩ mình sẽ chọn một hướng đi dễ dàng hơn để dòng nhạc cổ điển phù hợp với nhu cầu thị trường?
Đối với Duy và Hương, bản thân người nghệ sĩ phải tôn trọng nghề nghiệp của mình. Và mình cũng phải linh động. Cả hai đều cùng một quan niệm: làm bất cứ việc gì cũng phải thật nghiêm chỉnh, “ra tấm, ra món” chứ không đơn thuần chỉ để lấy tiền của công chúng hay tạo danh tiếng.
Vấn đề kinh tế cũng quan trọng nhưng cao hơn cả là mình phải hoàn thành thật tốt thì mới nhận làm. Quan trọng hơn, thương hiệu cần đi kèm với chất lượng cao và uy tín. Nếu không có cái đấy thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại.
Xin cảm ơn và chúc anh chị ngày càng thành công hơn!
Thanh Huyền