Bức tranh đẹp về Hội An trong hoài niệm
(Dân trí) - Một Hội An với bề dày 400 năm lịch sử hiện lên thật duyên dáng, lãng mạn và thanh bình trong Ký ức Hội An. Nhiều du khách không khỏi xao lòng khi ngắm các cô gái diện áo dài xưa đạp xe chầm chậm bên bến sông, rặng dừa...
Những năm gần đây, Hội An trở thành điểm đến nổi bật của dải đất miền Trung thu hút du khách du lịch trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có tới 3,2 triệu lượt khách tới với thành phố xinh đẹp này.
Nhắc tới Hội An, điều đầu tiên khiến mọi người nhớ tới chính là phố cổ Hội An với những di sản kiến trúc đã có từ hàng trăm năm trước, được công nhận là di sản văn hóa của UNESCO từ năm 1999. Ngoài ra Hội An còn thu hút bởi làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, bảo tàng Sa Huỳnh... Ngoài ra các món ăn truyền thống nổi tiếng của Hội An như: cao lầu, mì Quảng, bánh xèo chiên giòn, bánh mỳ, cơm gà, chè bắp, bánh đập... đều làm mê hoặc du khách.
Hội An từ vài năm gần đây đã trở thành điểm sáng du lịch thu hút khách 5 châu. Và nhằm làm phong phú thêm các giá trị của phố Hội, một chương trình thực cảnh khắc họa cuộc sống của người Hội An cổ đã được thực hiện sau 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, đó là "Ký ức Hội An".
Với thông điệp “Một ngày Hội An - Trăm năm hoài cổ”, chương trình là con thuyền lớn đưa khán giả cập bến thương cảng Hội An thế kỷ 16 - 17 để chứng kiến những thăng trầm của phố Hội trải suốt dòng thời gian 400 năm lịch sử, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại. Chương trình gồm 5 phần là Cuộc sống; Đám cưới; Đèn và biển; Bến Bờ; Áo dài.
Điểm nhấn trong chương trình là tiết mục khắc họa sự kiện vua Chăm cưới công chúa Huyền Trân với cảnh đoàn đưa dâu và đón dâu hoành tráng, giàu có và mang nét văn hóa đặc trưng của nước mình. Đồng thời 2 đoàn này rất tôn trọng nhau và được người dân ủng hộ.
Sự chuyển mình phát triển của Hội An cũng thểhiện rõ trong chương trình này, khán giả thấy được qua trình Hội An trở thành một thương cảng quốc tế thông qua việc miêu tả câu chuyện cảm động về tình yêu và sự chung thủy của một đôi tình nhân người Hội An với loại hình nghề nghiệp và kinh tế mới: thủy thủ tàu buôn giao thương với nước ngoài.
Một phiên chợ quốc tế miêu tả quá trình Hội An hội nhập với thế giới và cách các nền văn hóa trên thế giới lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa và phát triển ở Hội An. Những người từ nhiều nước đến chợ trình diễn trang phục và âm nhạc độc đáo của nước mình.
Màn trình diễn áo dài kết lại chương trình rất nên thơ, lãng mạn thể hiện rõ tình thần của một Hội An ngày nay hiện đại nhưng không mất đi vẻ thanh bình và hiền hòa vốn có. Xét về tổng thể, chương trình được đầu tư dàn dựng nghiêm túc, hoành tráng và có chiều sâu. Đây là món quà ý nghĩa mà ê kíp dành tặng khán giả nhằm góp phần vào việc quảng bá văn hóa - lịch sử và vẻ đẹp phố Hội đến du khách trong và ngoài nước.
Duy Linh