"Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc":
Bộ phim gây "sốc" quay tại Việt Nam
Đề cập đến đề tài đồng tính đang là thời thượng của điện ảnh, nhất là sau thành công của Brokeback mountain (đạo diễn Lý An), bộ phim thứ 5 của Đới Tư Kiệt đã gây nhiều tranh cãi khi trình chiếu chính thức tại Pháp ngày 26/4 vừa qua.
Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc là bộ phim mà Đới Tư Kiệt ấp ủ từ lâu nhưng không có kinh phí thực hiện. Nhưng sau thành công của tiểu thuyết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, mọi chuyện đã dễ dàng hơn nhiều với Đới Tư Kiệt. Cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Đới Tư Kiệt đã đoạt năm giải thưởng văn học, được dịch ra 32 thứ tiếng và là sách bestseller tại Pháp.
Bộ phim cùng tên do chính ông biên kịch và đạo diễn thu hơn 6 triệu USD, đoạt giải Un certain regard (dành cho những bộ phim mang tính thể nghiệm) tại LHP Cannes 2003 và được đề cử giải Quả cầu vàng cho phim nước ngoài hay nhất năm 2004. Sau khi được trao giải thưởng văn học Fémina cho cuốn tiểu thuyết thứ 2 Phức cảm của Di, Đới Tư Kiệt trở thành một tên tuổi lớn của làng văn nghệ Hoa kiều ở Pháp, được nói đến chỉ sau nhà văn đoạt giải Nobel Cao Hành Kiện.
Năm 2004 Đới Tư Kiệt đem bản thảo tiểu thuyết Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc sửa chữa lại cùng với nhà biên kịch Nadine Perront, người đã cộng tác với ông trong bốn bộ phim trước đó. Dự án này đã được các nhà sản xuất Pháp và
Cuối năm 2004, từ một nguồn tin của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi đã có cuộc tiếp cận và phỏng vấn Đới Tư Kiệt khi ông sang VN để chọn bối cảnh cho bộ phim mới của mình. Khi được hỏi tại sao ông lại chọn bối cảnh VN cho một bộ phim Trung Quốc (TQ), ông cho biết bối cảnh thiên nhiên ở VN lại phù hợp với chuyện phim, xảy ra vào thập niên 1980.
Một lý do không kém phần quan trọng, theo ông, là giá thành sản xuất phim ở VN rẻ hơn nhiều so với TQ và ông từng có nhiều kinh nghiệm khi làm phim tại VN (bộ phim thứ 3 của ông Người thừa cũng được thực hiện ở VN). Song cũng có nguồn tin cho rằng bộ phim này không được phép thực hiện tại TQ vì đụng chạm đến vấn đề cấm kỵ - đồng tính. Cần nhớ: ngay cả bộ phim Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa đến nay vẫn chưa được chiếu tại TQ.
Tháng 2/2005, đoàn làm phim Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc đã được cấp giấy phép để quay ở VN, với sự cộng tác về dịch vụ của Hãng Phim truyện VN. Các diễn viên Như Quỳnh, Xuân Thức, Chu Hùng, dịch giả Dương Tường, nhà văn Châu Diên cũng được mời đóng các vai phụ trong phim. Nhiều bối cảnh đẹp ở Hà Nội, Ninh Bình (Tam Cốc, Bích Động),
Chuyện phim kể về những xung đột trong một gia đình làm nghề thảo dược truyền thống tại TQ trong những năm 1980. Min, cô gái mồ côi trẻ đẹp, tìm đến nhà ông Trần, chủ vườn thuốc nổi tiếng, để học nghề. Đó là một người đàn ông bí ẩn, một người cha độc đoán. Hòn đảo nơi ông sống được ông biến thành một khu vườn huyền diệu. Trái ngược với cha, An, một cô gái cởi mở và không đồng quan điểm về một cuộc sống cô độc, khép kín và nhạt nhẽo của cha, hồ hởi đón nhận sự hiện diện của cô gái đến học nghề.
Ông Trần tìm cách gả Min cho đứa con trai cả của ông. Cuộc hôn nhân này đã diễn ra nhanh chóng nhưng không có tình yêu, khi mà trái tim của Min đã hướng về An, cô con gái út của ông chủ vườn thuốc. Hai cô gái trẻ “thông đồng” với nhau một cách chóng vánh để đẩy tình bạn của họ đến một quan hệ tình cảm trái với luân thường đạo lý theo quan niệm truyền thống tại TQ.
Bí mật của họ cuối cùng cũng bị phát hiện và làm xáo trộn cuộc sống của các thành viên trong gia đình ông chủ vườn thuốc Trần... Không thể rời xa nhau, An và Min nhanh chóng nghĩ ra một cuộc dàn xếp nguy hiểm để tiếp tục sống chung dưới một mái nhà cho dù họ phải trả giá rất đắt...
Min do nữ diễn viên Pháp gốc Hoa Mylene Jampanoi, một tên tuổi của làng phim truyền hình Pháp, đóng và vai An được Li Xiao Ran, 27 tuổi, diễn viên truyền hình khá quen thuộc của TQ, thể hiện. Họ đã có những cảnh diễn rất táo bạo, nóng bỏng. Vai ông chủ vườn thuốc Trần cũng do một diễn viên kịch nghệ người Pháp gốc Hoa đóng. Còn Như Quỳnh, nữ diễn viên VN có tần số xuất hiện cao nhất trong các phim hợp tác quốc tế, vào vai phụ bà giám đốc cô nhi viện, nơi từng nuôi dưỡng Min và giới thiệu cô đến ông chủ vườn thuốc Trần để học nghề.
Trong nhiều bài phê bình về bộ phim này, có ý kiến cho rằng đó là một sự đột phá táo bạo so với bộ phim Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, một bộ phim dễ thương và thành công phần lớn nhờ vào hiệu ứng của cuốn tiểu thuyết cùng tên đã dọn đường trước đó.
Một nhận xét khác thì cho rằng bộ phim này chưa thể vượt qua được các bộ phim về đề tài đồng tính của các đạo diễn người Hoa khác như Lan Yu của Quan Cẩm Bằng, Happy together của Vương Gia Vệ, nói gì đến Brokeback mountain của Lý An... Tất nhiên, hiệu ứng từ khán giả mới là điều quan trọng nhất. Điều này còn phải chờ sự khẳng định từ các phòng vé.
Bạn đọc có thể xem qua trailer của bộ phim và nhiều video clip giới thiệu phim này trên trang web chính thức www.europacorp.com/dossiers/botaniste.
Theo Lê Hồng Lâm
Tuổi Trẻ