Bồ hóng đôi khi cũng rất ích với cuộc sống của chúng ta (kỳ 3)
(Dân trí) - Lần chuyển nhà vừa rồi đã dội một gáo nước lạnh thật mạnh vào những điều tôi thường nghĩ về bản thân. Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người sạch sẽ và ngăn nắp, nhưng sau khi chuyển tất cả đồ đạc ra khỏi phòng, tôi quay trở lại để xem có bỏ sót thứ gì không và khi nhìn xuống sàn nhà, nhìn đâu tôi cũng thấy BỒ HÓNG.
Khoảng trống phía sau bàn làm việc, sau giá sách, gầm giường,...
Bồ hóng. Xám xịt. Xoắn xít. Lông lá. Kinh hãi.
Khi nhìn đống rác bẩn đó, tôi chợt nhận ra mình không hẳn là một người sạch sẽ hay ngăn nắp. Hàng xóm sẽ nghĩ sao khi thấy tôi ở bẩn thế này? Mẹ sẽ nói gì? Nếu những người đó tới nhà tôi thì sao? Tôi phải thu dọn đống bừa bãi này thật nhanh. Lúc nào chuyển nhà tôi cũng thấy cái thứ lộn xộn này. Nó là cái gì?
Tôi từng đọc trong một tạp chí y khoa rằng một phòng thí nghiệm đã tiến hành phân tích bồ hóng. Mục đích nghiên cứu là để tìm ra cách chữa chứng dị ứng, nhưng kết quả nghiên cứu vẫn liên quan đến căn phòng của tôi.
Kết quả tìm được: các phần tử vải cotton, len, giấy, xác và chất thải côn trùng, thực phẩm, xác thực vật, lá cây, tro, bào tử nấm hiển vi, động vật đơn bào và rất nhiều những thứ linh tinh khác - hầu hết là thành phần tự nhiên và hữu cơ.
Nhưng đó mới chỉ là bản liệt kê những thành phần vặt vãnh. Thành phần chính trong bồ hóng bắt nguồn từ hai thứ: con người - da hoặc tóc rơi rụng hoặc tróc ra; và thiên thạch - tan rã khi vào đến bầu khí quyển trái đất. (Không đùa đâu - thật đấy - mỗi ngày có hàng tấn thiên thạch như vậy rơi xuống). Nói cách khác, đống rác bẩn thỉu dưới gầm giường, sau giá sách và tủ kéo kia là sản phẩm của tôi và quá trình phân rã của thiên thạch.
Một nhà thực vật học đã bảo tôi rằng nếu ta thu gom chỗ bồ hóng này vào một cái lọ, cho vào đó ít nước và đặt nó ra chỗ có ánh sáng mặt trời, thì khi gieo vào đó một mầm cây, hạt giống sẽ phát triển rất nhanh. Hoặc ta có thể làm tương tự và bỏ cái lọ vào nơi ẩm thấp và tăm tối, chắc chắn sẽ có rất nhiều nấm sinh sôi trong đó. Và nếu ta ăn loại nấm này, ta sẽ thấy mười ông sao.
Còn nếu bạn muốn thấy nhiều bồ hóng hơn nữa, hãy mang chăn khỏi giường ngủ và rũ nó thật mạnh trong buồng tối, sau đó bật đèn pin lên. Thế. Thế là bạn đứng giữa màn bụi bồ hóng, như gã người tuyết tí hon đứng dưới màn tuyết trong quả cầu bằng kính được đặt trên mặt lò sưởi ở nhà bà. Cây cầu Luân Đôn đang rơi xuống, tôi cũng đang rơi xuống cùng những vì sao kia. Như ai đó đã từng nói, mọi thứ trên đời này đều rơi xuống để bắt đầu lại một chu kỳ mới.
Từ lâu, nhiều nhà khoa học đã cho rằng sinh vật trên Trái đất có nguồn gốc từ một vì sao nào đó. Chúng ta cấu thành từ bụi sao.
Và ở nơi đó, đằng sau chiếc bàn làm việc, dường như tôi đang lặng lẽ trở về với nguồn cội của mình, tổng hợp những thứ thuộc về vũ trụ thành những thứ mà không ai biết là thứ gì. Và tôi đã biết tôn trọng hơn những quá trình đang bí ẩn diễn ra trong các góc tối của phòng mình.
Cái chất xám xịt kia không phải là rác. Mà là phân bón phức hợp. Chất phân bón phức hợp của vũ trụ.
“Trường mẫu giáo uyên thâm’’ được viết bởi Robert Fulghum - một triết gia, diễn giả người Mỹ. Từ những mẩu truyện tưởng chừng như đơn giản và hồn nhiên như “vũng nước”, “bồ hóng”, “Trò chơi trốn tìm”… Fulghum đã đan cài vào đó nhiều lớp lang và chiều sâu một cách tinh tế những bài học cao cả và tuyệt vời về giá trị sống trong bao điều giản dị quanh ta.
Đó là những ngẫm nghĩ về cuộc sống và cái chết, tình yêu và nỗi buồn, những giá trị và triết lý sống sâu sắc mà bất kỳ ai cũng phải suy ngẫm. Giá trị ẩn sau những bài học này là sự thấu hiểu để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, tâm trí sáng suốt, sự vững tâm, lòng dũng cảm và niềm lạc quan trước bất kỳ sự thay đổi nào trong cuộc sống cũng như sự bình an trong tâm hồn.
Theo sách “Trường mẫu giáo uyên thâm”
First News phát hành