Beatbox Minh Kiên “truyền nghề” cho thí sinh Đồ Rê Mí
(Dân trí) -Được biết đến như một "tiên phong" của beatbox Việt, NS trẻ Minh Kiên sẽ cùng nhóm Bigtoe tham gia Đồ Rê Mí 2011 trong vai trò “thầy giáo”, hướng dẫn cho thí sinh những bài tập beatbox và nhảy hiphop cơ bản trong show diễn của các bé đội 4- 20 giờ 24/7 trên VTV3.
Trong quá trình “huấn luyện” các bạn nhỏ chưa từng tiếp xúc với beatbox bao giờ, Minh Kiên đã có những chia sẻ thú vị về bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.
Minh Kiên có thể cho biết, những yếu tố nào quan trọng và cần thiết với một người học beatbox?
Đầu tiên là người học cần có khả năng thẩm âm tốt để nghe và cảm nhận âm thanh, nắm bắt nhịp nhạc, tiếp nữa là khả năng bắt chước và mô tả tiếng động, giống như một người diễn viên có thể đóng vai nhiều nhân vật. Khi mới bắt đầu tập beatbox, nên nghe thật nhiều và bắt chước theo những đoạn beat đơn giản, sau đó tập những âm cơ bản để quen dần. Ngoài ra, khi muốn giỏi và nâng cao trình độ hơn thì nghệ sỹ beatbox cần phải có một chất giọng hay và một làn hơi khỏe.
Như vậy người học beatbox rất cần thiết phải có năng khiếu âm nhạc đúng không?
Theo Kiên, nếu có sẵn năng khiếu âm nhạc thì rất tốt, việc học beatbox sẽ nhanh và thuận lợi hơn nhiều. Nếu không có khả năng thẩm âm mà đơn thuần chỉ là bắt chước thì âm thanh beatbox phát ra sẽ không được hay và tinh tế.
Minh Kiên có cho rằng, người hát hay thì có chắc sẽ là một người chơi beatbox giỏi không?
Điều này cũng chỉ đúng một phần, vì để chơi beatbox hay thì ngoài giọng ca và sự thẩm âm tốt, khả năng bắt chước tiếng động cũng là yếu tố rất quan trọng, điều này thì cần năng khiếu và cả thời gian tập luyện, quan sát xung quanh nữa. Nếu hát không hay nhưng có khả năng bắt chước tốt, chúng ta vẫn có thể tập beatbox được, tuy nhiên trình độ sẽ chỉ đạt được tới một mức giới hạn nào đó Vì vậy, việc hát hay không phải là yếu tố cần mà là yếu tố đủ, để người chơi beatbox có được một tác phẩm hay. Cá nhân Kiên cũng cho rằng mình là người có khả năng bắt chước giỏi thôi chứ hát không hay lắm (cười)
Một người chơi beatbox thì sẽ được gọi là nhạc công hay ca sĩ?
Có lẽ từ “nghệ sỹ” là phù hợp với một người chơi beatbox hơn cả. Chơi beatbox sẽ khó hơn một chút vì nếu người nhạc công chỉ chơi nhạc, người ca sỹ chỉ hát thì người chơi Beatbox sẽ phải làm cả 2 việc, đó là vừa hát lại vừa chơi nhạc trên nền nhạc của chính mình tạo ra, lại chỉ bằng nhạc cụ duy nhất là vòm miệng.
Minh Kiên có bất ngờ khi được mời hướng dẫn beatbox cho Đồ Rê Mí không?
Phải nói là Kiên rất bất ngờ, trước đây Kiên thỉnh thoảng có xem Đồ Rê Mí nhưng chưa từng nghĩ là mình sẽ dạy beatbox cho các bé.
Minh Kiên có gặp những khó khăn gì khi dạy beatbox cho những học sinh quá nhỏ như Đồ Rê Mí không?
Rất may là trước đây Kiên đã từng dạy beatbox cho một số các em thiếu nhi, nên cũng cảm thấy không quá khó khăn khi làm việc với các em. Hơn nữa, các bé Đồ Rê Mí đều thông minh, lại sẵn có năng khiếu âm nhạc và khả năng nhạc cảm tốt nên học và tiếp thu rất nhanh.
Minh Kiên có bí quyết gì chia sẻ các học trò trong Đồ Rê Mí của mình để có màn trình diễn beatbox thật tốt vào tối chủ nhật này không?
Để có thể biểu diễn beatbox tốt, các bé không nên uống nước quá lạnh hay quá nóng, cũng không nên ăn đồ cay nữa, ngoài ra đối với người lớn thì nên hạn chế sử dụng những đồ uống kích thích như café, rượu, bia, nhưng điều này thì chắc không cần thiết phải căn dặn các bé của Đồ Rê Mí rồi (cười).
Các thày giáo đến từ nhóm Bigtoe
Thí sinh ĐRM ngồi vòng tròn để giao lưu với thày
Thày trò làm quen...
Những động tác đầu tiên...
Minh Kiên trò chuyện và hướng dẫn các em nhỏ
Tạm biệt các thày để ra về.
V.N