1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bao giờ “văn ngoại” thôi lấn “văn nội”?

(Dân trí) - Văn học Việt Nam hiện nay chưa nhận được sự “đón chào” của độc giả. Tại “phố sách” Đinh Lễ và Nguyễn Xí tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy văn học nước ngoài tràn ngập trên giá sách được đặt tại mặt tiền - nơi dễ nhận biết nhất của mỗi hiệu sách.

Sự “lay lắt” của văn học Việt

Những năm gần đây, rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được ra mắt những người yêu sách. Thế nhưng con số đó chỉ là một phần rất nhỏ so với văn học nước ngoài. Đơn cử như công ty phát hành sách Nhã Nam từ năm 2004 đến tháng 1/2012 đã phát hành 45 đầu sách văn học Việt Nam và 336 đầu sách văn học nước ngoài; hay như Bách Việ phát hành được 23 đầu sách văn học Việt Nam và 91 đầu sách văn học nước ngoài, trong đó có tới 56 đầu sách là văn học Trung Quốc tính từ năm 2008 đến tháng 10/2011.

Tuy nhiên, văn học Việt Nam hiện vẫn chưa nhận được sự “đón chào” của độc giả. Dạo một vòng tại hai con phố được coi là “phố sách” tại Hà Nội là Đinh Lễ và Nguyễn Xí, ta dễ dàng bắt gặp văn học Trung Quốc nói riêng, văn học nước ngoài nói chung tràn ngập trên giá sách được đặt tại mặt tiền - nơi dễ nhận biết nhất của mỗi hiệu sách. 

“Do đâu mà sách văn học Việt Nam không được giới trẻ hiện nay ưa chuộng” là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này. Nhưng có lẽ, chủ yếu vẫn là chưa có nhiều những tác phẩm thực sự xuất sắc của những tác giả Việt. Một số điểm yếu thường thấy ở văn học Việt hiện tại là thiếu sự “hiện đại”, thiếu hơi thở cuộc sống... trong các tác phẩm. Những câu chuyện có phần sáo rỗng, hệ thống nhân vật, tình tiết, nội dung lại thiếu cuốn hút bạn đọc. Là chưa kể sự dễ dãi trong cách viết, cách dùng từ hay thiếu trải nghiệm thực tế...

Bao giờ “văn ngoại” thôi lấn “văn nội”? - 1

Độc giả nói gì về văn Việt?

“Văn học  trẻ Việt Nam giờ nhạt lắm, kỹ năng viết kém, viết câu không đủ chủ - vị, bố cục lỏng lẻo, rời rạc, tình tiết chủ yếu là sến, khai thác tâm lý nhân vật đơn giản, kể cả khi cố gắng tạo ra một nhân vật có tính cách phức tạp thì nó cũng không khắc họa lên được sự phức tạp đó. Đọc văn học trẻ Việt Nam bây giờ nhạt như nước ốc không cho nước chấm” là chia sẻ của Hoài (27 tuổi), nhân viên văn phòng.

Bớt gay gắt hơn với văn học Việt Nam, nhưng Kiên (25 tuổi) - nhân viên ngân hàng cũng cho biết: “Văn học trẻ Việt Nam giống như phim Việt Nam vậy, không sâu sắc, tình tiết thì thật sự nhàm chán”.

“Tôi thấy những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam giờ cũng khá ít viết, mà phần đa tác phẩm của họ nói đến những vấn đề không mới mẻ gì. Dù tôi thấy thật ra Việt Nam có một số nhà văn viết khá hay, có cá tính như: Hồ Anh Thái, Trần Dần, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Bình Nguyên, Dili... là chưa kể một loạt những tên tuổi đã được khẳng định khác. Thế nhưng chỉ số đó là quá ít, một số tác phẩm của các tác giả mới như Gào, Ploy Ngọc Bích... thì tôi không thể... đọc được. Cũng không hiểu vì sao người ta lại dễ dàng phong cho họ là nhà văn như vậy”, độc giả Minh Phương ở Hà Nội cho biết.

Tuy không phải tất cả giới trẻ đều định kiến với văn học trẻ Việt Nam, và vẫn có những nhà văn trẻ được bạn đọc yêu quý và tìm mua và đọc những tác phẩm của họ. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận là phần đông những người được hỏi đều không hoặc ít cảm thấy hứng thú khi đọc những tác phẩm văn học trẻ Việt Nam.

Bao giờ “văn ngoại” thôi lấn “văn nội”? - 2
Không có nhiều tác phẩm Việt ở các cửa hàng bán sách

Mong ngóng ngoại văn

Thời đại công nghệ thông tin hiện đại, việc cập nhật tin tức những cuốn sách sắp xuất bản, mới xuất bản, đã xuất bản của các công ty phát hành sách, các nhà xuất bản chỉ mất vài phút qua vài cú “click” trên các trang website. Bạn đọc thậm chí còn gửi yêu cầu trực tiếp những cuốn sách của các tác giả nước ngoài mình yêu thích được dịch sang tiếng Việt đã cho thấy nhu cầu đọc sách ngoại văn và niềm đam mê với các tác phẩm ngoại văn của giới trẻ hiện nay.

Trung Quốc, nơi được cho là có nền văn hóa và văn học gần với chúng ta nhất cũng là một thị trường sách thu hút độc giả Việt Nam. Người trẻ tìm đến với văn học Trung Quốc bởi họ tìm thấy ở đó điều mà họ cảm thấy thích, “xây dựng tính cách nhân vật đầy thâm thúy, sâu sắc và nhiều ám ảnh” - Khanh (22 tuổi) sinh viên cho biết.

Các tác giả châu Âu, châu Mỹ đem đến cho độc giả sự tinh tế và hoa mỹ trong cảm xúc, cùng với chất nhân văn sâu sắc và lãng mạn. Phải thừa nhận một thực tế rằng, trong những cuốn sách văn học châu Âu, lượng kiến thức và thông tin độc giả nhận được là rất lớn cho thấy sự lao động nghiêm túc của những nhà văn này.

Đạt, sinh viên 20 tuổi trầm ngâm nói: “Ngay cả những tác giả lãng mạn như Marc Levy cũng đem lại cho tôi những kiến thức mới mẻ về khảo cổ học hay thiên văn học, điều này rất hiếm thấy ở văn học Việt Nam. Và tôi nhận thấy rằng, tìm kiếm thông tin về tác phẩm hay tác giả nước ngoài dễ hơn rất nhiều so với các tác phẩm tác giả Việt Nam”.

Văn học Việt đã hết lối thoát?

Không khó để nhận thấy sự “ưu ái” rất lớn của độc giả, cũng như của các đơn vị phát hành dành cho dành cho văn học nước ngoài. Bằng chứng là một số đơn vị phát hành gần như chỉ phát hành văn học nước ngoài như: Nhã Nam chuyên văn học châu Âu, châu Mỹ... Chi Books “kiên trì” với dòng văn học Trung Quốc. Điều đó một phần khiến cho văn học Việt ít có “đất diễn” bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan khác đã nêu trên.

“Dĩ nhiên tôi vẫn rất muốn được đọc những tác phẩm văn học Việt chất lượng, nếu điểm số là 4 – 6 nghiêng về văn học nước ngoài thì tôi vẫn chọn văn học Việt. Tuy nhiên, phải nói thật là dù có ưu ái đến mấy thì tôi cũng không có nhiều lựa chọn”, Phương Nhung, sinh viên Học viện Báo chí cho biết.

Văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam đang ở mức báo động, tuy nhiên với tâm sự của một bạn sinh viên cũng như một số cây bút trẻ hiện nay, họ rất tin vào sức sống của văn học Việt bởi bản sắc văn hoá, dân tộc. Bởi những sức hút rất riêng và mãnh liệt mà không dòng văn học nào khác có thể làm được. Vấn đề chỉ là ở chất lượng và cách quảng bá thương hiệu.

Bình Yên