1. Dòng sự kiện:
  2. Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố
  3. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"

Băn khoăn của NSND Trung Hiếu về đề án Sân khấu học đường

Lạc Thành

(Dân trí) - Khi thực hiện đề án Sân khấu học đường, Nhà hát Kịch Hà Nội đã có 172 buổi diễn cho các trường học. Tuy nhiên, một số vở diễn tại trường có âm thanh, ánh sáng... không đáp ứng được yêu cầu vở diễn.

Ngày 8/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030 (gọi tắt là đề án Sân khấu học đường).

Đây là hoạt động trải nghiệm thực tế giúp học sinh hiểu sâu hơn về các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa và thêm yêu nghệ thuật sân khấu. 

Băn khoăn của NSND Trung Hiếu về đề án Sân khấu học đường - 1

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ tại sự kiện, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết, giai đoạn thí điểm đề án Sân khấu học đường, đơn vị của ông đã dựng thành công các tác phẩm mới như: Chuyện người con gái Nam XươngThúy Kiều - Một kiếp đoạn trường, Tinh thần thể dục, Lời bà kểQuẫn....

Theo đó, ngay từ khâu lựa chọn kịch bản, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chọn lọc các tác phẩm có nội dung văn hóa truyền thống kết hợp với nhiều hình thức thể hiện phong phú để học sinh dễ dàng đón nhận và yêu thích.

Từ mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc, phối khí… đều được Nhà hát Kịch Hà Nội thiết kế với tính đương đại, làm tác phẩm sân khấu trở nên gần gũi hơn với hơi thở cuộc sống, qua đó giúp học sinh hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức.

NSND Trung Hiếu cho biết thêm, từ tháng 12/2022 đến hết năm 2024, Nhà hát Kịch Hà Nội đã tổ chức thành công 172 buổi biểu diễn (tại nhà hát và ở trường) cho khoảng 80.000 học sinh của các trường phổ thông tại 14 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội.

"Đề án tạo ra hình thức học tập mở, hấp dẫn học sinh, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, góp phần truyền đạt những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Qua các buổi biểu diễn, nhà hát còn xây dựng được khán giả tiềm năng và tìm kiếm những tài năng nghệ thuật sân khấu", NSND Trung Hiếu khẳng định.

Tuy nhiên, khi đưa vở về diễn tại các trường, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội băn khoăn rằng, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời không đảm bảo điều kiện biểu diễn, không tạo được hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, chuyển cảnh... làm giảm hiệu quả biểu diễn. 

Vì thế NSND Trung Hiếu muốn tháo gỡ những vướng mắc này với những ý kiến xây dựng tại hội nghị.

Bà Lê Thị Ánh Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cho rằng, đề án Sân khấu học đường là mô hình giáo dục giàu tính nhân văn, phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.

"Trong giai đoạn tới, Sở sẽ tăng cường quy mô, phấn đấu tổ chức từ 1.800-2.000 buổi biểu diễn, đảm bảo mọi trường phổ thông trên địa bàn thành phố đều được tiếp cận ít nhất một chương trình Sân khấu học đường trong mỗi năm học.

Sở cũng khuyến khích đơn vị nghệ thuật cố gắng khai thác chất liệu dân gian, kết hợp yếu tố đương đại để học sinh dễ dàng tiếp nhận sâu hơn các vở diễn", bà Ánh Mai cho biết.

Bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - nhấn mạnh rằng, đề án này cần được triển khai mạnh mẽ, bài bản, đồng loạt, toàn diện không chỉ ở các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập mà cả khối dân lập. Không chỉ kịch nói mà cả cải lương, chèo, múa rối... cũng cần phải đưa vào trường học để các em học sinh tiếp cận.

Băn khoăn của NSND Trung Hiếu về đề án Sân khấu học đường - 2

Một cảnh trong vở "Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường" của Nhà hát Kịch Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

"Học sinh không chỉ là lứa khán giả tiềm năng mà còn là nguồn nhân lực để bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng và phải được thực hiện bài bản.

Các em cần biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nếu học sinh được hóa thân vào các nhân vật của vở diễn, thì sự cảm thụ của các em về tác phẩm sẽ sâu sắc hơn nhiều", Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định.