Bạn có biết sự ra đời của giày cao gót, và...?
(Dân trí) - Người tiên phong cho kiểu giầy cao gót chính là nữ hoàng Victoria. Vì nữ hoàng là người có chiều cao khá khiêm tốn, nên để tăng sự tôn kính, những người hầu cận đã nghĩ ra loại giầy cao gót riêng cho nữ hoàng.
Rồi cũng từ đó, các bà các cô trong giới quý tộc nhất loạt theo mốt của nữ hoàng. Cho đến tận bây giờ, giày cao gót vẫn tượng trưng cho vẻ đẹp nữ tính và quý phái cho các bà , các cô trên khắp thế giới.
Cổ áo khoét sâu
Trước năm 1900 cổ áo của phụ nữ Châu Âu chỉ mấp mé đến xương quai xanh (nằm ngang giữa cổ và ngực). Những người phụ nữ thích sự gợi cảm đã chán kiểu cổ áo quá kín đáo nhàm chán như vậy. Họ đã khoét hơi sâu xuống thành hình chữ V để thoáng và gợi cảm hơn. Chuyện này cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhà thờ. Những chiếc áo hở cổ đã bị trừng trị thẳng tay. Các bác sĩ cũng cảnh báo về tác hại của nó đối với sức khoẻ như bệnh viêm họng.
Sau 10 năm lại một lần nữa cả Châu Âu xôn xao, choáng váng bởi kiểu cổ áo làm hở phần trên của bầu ngực của nhà tạo mốt người Pháp Poare.
Đến đầu thế kỷ 20 loại cổ tròn khoét sâu xuất hiện. Thập kỷ 30 chứng kiến những chiếc áo vẫn mẫu chữ V với những đường lượn mạnh dạn hơn, đến thập kỷ 40 trong bộ phim Gilda, diễn viên Rita Hayburt đã xuất hiện với chiếc áo váy cổ khoét sâu. Kiểu áo này đã gây hiệu ứng bất ngờ và làm cho bộ phim ấy trở thành bộ phim ăn khách số một trong lịch sử điện ảnh thời đó.
Váy ngắn
Kiểu váy này xuất hiện vào những năm 1925. Nó đã gây sự phản ứng dữ dội từ phía nhà thờ và những người bảo thủ ở cả Châu Mỹ và châu Âu.
Tác giả của chiếc váy ngắn là một thiếu nữ ở Amafli. Những người ủng hộ phong trào mặc váy ngắn ở Utah và Ohio bị đe doạ chôn sống. Rất may, phong trào giải phóng phụ nữ đã đến kịp thời và cuộc cách mạng váy ngắn đã chiến thắng và phổ biến cho đến tận ngày hôm nay. Ngày nay, váy ngắn vẫn là kiểu thời trang được yêu thích sô một bởi nó tạo cho người phụ nữ hình ảnh cực kỳ hấp dẫn và nữ tính.
Tuy nhiên, ở nhưng nơi trang nghiêm và quan trọng phụ nữ cũng được nhắc nhở không nên mặc váy quá ngắn, vì nó quá gợi cảm và hơi thiếu sự nghiêm túc.
Khăn Mùi xoa
Giữa thế kỷ 16, những người thượng lưu Châu Âu bắt đầu nhận thấy việc lau mũi bằng tay không hay bằng ống tay áo là những hành động không lịch sự và thiếu vệ sinh. Khăn mùi xoa được các nhà quý tộc nghĩ ra lúc đó với các hoạ tiết caro hoặc thêu bô- đê và người ta luôn cầm nó trên tay chứ không bỏ vào túi như bây giờ.
Những người phụ nữ quý tộc lại sáng tạo ra riêng một ngôn ngữ tình cảm bằng khăn mùi xoa. Họ chấm khăn lên khoé mắt để tỏ sự xúc động và thả xuống dưới chân nhằm tỏ ý ưng thuận với ngưòi đàn ông mà họ đã lựa chọn. Đôi khi, nó cũng là biểu hiện cho sự đồng ý của lời cầu hôn. Cho đến bây giờ khăn mùi xoa vẫn thể hiện cho sự thanh lịch.
Tuy nhiên, lại có một số quan niệm cho rằng: trao khăn tay cho người thương trong buổi gặp gỡ đầu tiên thì mối tình ấy sẽ đầy nước mắt.
Phạm Thanh