“Ất” của phim “Ma làng” sau 10 năm vẫn hạnh phúc vì đóng vai... phản diện
(Dân trí) - "Tôi vẫn nhận được những lời trách hay khen chê kiểu như: “A! thằng Ất, nói thật là chú ghét cái thằng Ất lắm đấy nhé!” Rồi thì: “Bên ngoài không đến nỗi nào mà sao lên phim lại đáng ghét thế? ” hay “Thằng Ất con lão Tòng đây rồi...”, đạo diễn - diễn viên Phùng Cường chia sẻ.
Đã 11 năm sau khi phim “Ma Làng” phần 1 lên sóng, bây giờ anh ra đường, có ai còn gọi Phùng Cường là Ất không?
Hầu như khán giả ai gặp Phùng Cường đều nhớ Ất của phim “Ma làng” (cười). Tôi vẫn nhận được những lời trách hay khen chê kiểu như: “A! thằng Ất, nói thật là chú ghét cái thằng Ất lắm đấy nhé, xem phim mà tức không nuốt được nước!” Rồi thì: “Bên ngoài không đến nỗi nào mà sao lên phim lại đáng ghét thế hả Ất ơi!” hay “Thằng Ất con lão Tòng đây rồi, thế con Mưa đâu mà không cho nó đi theo”...
Giờ tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc lắm mỗi khi được gọi “cậu Ất”, “thằng Ất”, “anh Ất”. Thậm chí, bạn bè thân thiết đã gắn từ Ất vào tên mình thành “Cường Ất” (cười).
Khi Phùng Cường nhập vai Ất là thời điểm anh mới tốt nghiệp lớp diễn viên khoá 1 do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam ( VFC ) đào tạo, hẳn đó là thử thách khó khăn, vậy anh có gặp nhiều áp lực?
Ất chính là vai mang sức nặng và áp lực tâm lý lớn đối với tôi. Ất là vai trung tâm của nhóm thanh thiếu niên trong làng, ranh ma nghịch ngợm quái quỷ, luôn tạo ra những tình tiết khó ngờ nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi hóa thân thành nhân vật này.
Tôi không bao giờ quên cái shoot hình đầu tiên mà mình đảm nhiệm vai Ất, quay tại quán nhậu của mụ Bẹo, diễn chung với anh Phạm Anh Tuấn (vai Nợi Lòi). Tôi run, hồi hộp, căng thẳng chưa thể tập trung được mà lại phải diễn cảnh cả nhóm nhậu say rượu rồi “chém gió” nữa. Cũng may được sự chỉ bảo tận tình của người thầy - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người anh - đạo diễn Hoàng Lâm và nhà quay film Phạm Quang Minh cùng các cô chú, anh chị diễn viên.
Tuy nhiên, áp lực lớn mà tôi gặp lại chính là việc được diễn chung với các thầy, các tiền bối trong nghề như NSND Bùi Bài Bình , NSUT Kim Oanh, cố diễn viên Hồng Sơn , diễn viên Quốc Quân, Anh Tuấn ... Họ là những idol mà Cường hâm mộ từ nhỏ nên khi đóng chung nó lại chính là rào cản tâm lý lớn nhất.
Sau Ất, thấy Phùng Cường tham gia nhiều phim truyền hình, phim hài đình đám như “Ma làng mười năm sau”, “Gió làng Kình”, “Làng ế vợ”, “Chạm tay vào nỗi nhớ”, “Chạy trốn tuổi thanh xuân”… Có nhân vật nào khiến anh ấn tượng như vai Ất?
Có, đó là Phúc Sài trong phim “Chạm tay vào nỗi nhớ”. Khác với thanh niên làng quê nghịch ngợm, Phúc Sài là một công tử con nhà kinh doanh giàu có bậc nhất của Sài Gòn. Bản thân công tử này cũng đang làm chủ một chuỗi bar lớn trên cả nước nhưng lại hay dụ dỗ và lừa phỉnh các cô gái nhẹ dạ cả tin.
Hay, nhân vật Mai Phấn Khởi trong bộ phim hài Tết 2015 mang tên “Làng ế vợ” cũng rất thú vị. Mai Phấn Khởi là một Việt kiều ở Nga về làng lấy vợ, bị đám trai làm làm đủ trò để phá đám. “Cay quá” Mai Phấn Khởi đã ủ mưu đưa trai làng qua Nga để “củ hành” cho bõ ghét. Cả hai nhân vật là hai tính cách khác nhau, khác biệt cả với Ất, nên đã cho Phùng Cường nhiều trải nghiệm với nghiệp diễn.
Phùng Cường và Kim Oanh...
... đều góp mặt trong phim "Ma làng" và "Làng Ma 10 năm sau".
Đang được khán giả nhớ đến với các vai diễn ấn tượng trong phim truyền hình, rồi bỗng Phùng Cường im ắng một thời gian, gần đây anh lại khiến khán giả bất ngờ khi tái xuất với vai trò... đạo diễn MV ca nhạc?Anh bắt đầu vai trò đạo diễn MV ca nhạc từ khi nào?
Thực ra là từ năm 2014 rồi, khi ấy tôi đạo diễn MV đầu tiên với MV Nghệ sỹ Việt chào xuân 2014 với sự tham gia của hơn 40 nghệ sỹ cả nước, trong đó có hoa hậu Ngọc Hân, các Á hậu Huyền My, Dương Tú Anh, NSUT Kim Oanh, diễn viên Tiến Lộc, ca sỹ Phương Thuý... Sau đó Phùng Cường chỉ nhận lời đạo diễn cho người những người thân thiết như anh Trọng Tấn – MV “Khúc hát sông quê” và cho bà xã Sao mai Phương Thúy trong hai MV “Chuyện tình nàng Lọ Lem” và “Bông vạn thọ”.
Vậy duyên đưa đẩy thế nào để Phùng Cường trở thành đạo diễn 2 MV của ca sĩ Tân Nhàn?
Đúng là cái duyên. Tôi là thành viên trong đội bóng phong trào của anh em nghệ sĩ, ca sĩ Tuấn Anh (Sao Mai 2005) chồng của ca sĩ Tân Nhàn, là lãnh đạo đội. Anh Tuấn Anh rất nhiệt tình, giản dị và gần gũi. Tôi may mắn khi được hai vợ chồng anh chị coi như người em trai trong gia đình, có việc gì anh chị thường xuyên trao đổi và bàn bạc. Ấy cũng là cơ duyên mà Phùng Cường được góp sức phần nào trong dự án âm nhạc “Níu dải Lụa Đào” của chị Tân Nhàn mà tôi đảm nhận phần đạo diễn 2 MV gồm bài văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và giá văn “Cô đôi Thượng Ngàn”.
Đạo diễn Phùng Cường (phải) tại buổi ra mắt dự án âm nhạc "Níu dải Lụa Đào" của ca sĩ Tân Nhàn.
Tín ngưỡng hát văn hầu đồng gắn liền với đạo Mẫu, khi làm cần phải hiểu rất rõ yếu tố văn hóa, tâm linh gắn liền với đạo này và mỗi bản văn, hẳn để hoàn thành MV “Cô đôi Thượng Ngàn”, anh đã cất công tìm hiểu rất kỹ?
Phải nói rằng “Cô đôi Thượng Ngàn” rất khó thể hiện. Ngoài việc tôi phải hiểu về tín ngưỡng văn hoá tâm linh gắn liền với Đạo Mẫu, tới việc nội dung MV diễn ra đúng theo trình tự của một giá hầu: lên khăn áo, múa lễ, phán truyền và thăng… Rồi từ những chi tiết nhỏ như cách vấn khăn, cài trâm hay bận trang phục cũng đều được làm theo trình tự chuẩn mực dưới sự hỗ trợ của những thanh đồng có kinh nghiệm. Nên bên cạnh tìm hiểu tư liệu Phùng Cường còn phải đi gặp nhiều thanh đồng, dự nhiều buổi hầu và thuyết phục các thanh đồng tham gia hỗ trợ.
Ngoài phần âm nhạc và trình diễn của ca sĩ, diễn viên, MV “Cô đôi Thượng Ngàn” có hình ảnh và bối cảnh cũng rất ấn tượng… Quá trình để chuẩn bị MV kéo dài tới gần 2 tháng. Bối cảnh phù hợp với MV là đền Bồng Lai Tiên Cảnh ở Cao Phong làm bối cảnh chính, dốc đá Trắng, đèo Thung Khe và thác Gò Lào ở Mai Châu làm những bối cảnh phụ trong MV này, những địa danh nêu trên đều thuộc tỉnh Hoà Bình.
Còn với MV “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” thì bối cảnh cũng giống như nhiều MV quen thuộc đó là làng quê Việt Nam. Khi quay MV này tôi có cho con trai 3 tuổi tham gia với vai trò diễn viên. Mặc dù cháu xuất hiện không nhiều, chỉ trong những cảnh rước đèn Trung Thu nhưng đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ đối với gia đình tôi.
Giữa diễn viên và đạo diễn, anh thấy vai trò nào khó hơn?
Diễn viên và đạo diễn là 2 vai trò hoàn toàn khác nhau, rất khó để so sánh vai trò nào khó hơn nhưng nếu nhìn ở góc độ gần thì diễn viên và đạo diễn lại có mối liên quan mật thiết tới nhau. Điều này đặc biệt giúp ích tôi trong việc hỗ trợ các diễn viên nhiều hơn khi tôi làm đạo diễn!
Nguyễn Quang Long