Ấn tượng triển lãm tranh khắc gỗ mở
(Dân trí) - Tiếp nối thành công của triển lãm Nghệ thuật khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số, tối 12/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’escape đã khai mạc triển lãm Nghệ thuật khắc gỗ mở của 5 họa sĩ Việt Nam.
5 họa sĩ có tác phẩm triển lãm lần này bao gồm: Phạm Khắc Quang, Nguyễn Hữu Trâm Kha, Nguyễn Khắc Hân, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Nghĩa Phương. Trong số này, chỉ có một nữ họa sĩ duy nhất, cũng là người đã cất công bay từ Đà Nẵng ra tham dự lễ khai mạc triển lãm này là Nguyễn Hữu Trâm Kha với tác phẩm Chuyển động tâm hồn.
Nghệ thuật khắc gỗ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, 16. Ban đầu, người họa sĩ khắc tác phẩm của mình lên gỗ rồi in lên giấy. Nghệ thuật tranh khắc gỗ đã trải qua những thăng trầm trong lịch sử, có thời kỳ hưng thịnh, cũng có những thời kỳ bị quên lãng. Ngày nay tranh khắc gỗ thế giới đã thay đổi rất nhiều về kỹ thuật, hình thức và chức năng nghệ thuật, đem lại cho nó một sức sống hoàn toàn mới và mang tính thời đại.
Triển lãm này có thể được coi là triển lãm tranh khắc gỗ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, các nghệ sĩ lần đầu được trải nghiệm những bước phát triển mới để đẩy nghệ thuật khắc gỗ tại Việt Nam lên một bước tiến mới.
Tranh khắc gỗ Việt Nam cũng có một bề dày truyền thống rất đáng tự hào. Nhưng trong giai đoạn vừa qua nó đã dần bị suy thoái bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vấn đề quan niệm.
5 nghệ sĩ góp mặt trong triển lãm này là đại diện của nhóm VPH (Vietnam Printmaking House) mong muốn thay đổi cái nhìn định kiến còn khá phổ biến ở Việt Nam về nghệ thuật khắc gỗ nói riêng và tranh in nói chung. Triển lãm hướng tới trả lời câu hỏi: Tranh khắc gỗ mở là gì? Vai trò của nó trong nghệ thuật đương đại ra sao? Qua đó lần đầu tiên xác định khái niệm “sắp đặt tranh in” (print installation) ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển lãm còn nhằm đem lại cơ hội cho công chúng và các họa sỹ tiếp cận với tranh khắc gỗ mới ở các khía cạnh kỹ thuật, chất liệu, hình thức trình bày và quan niệm nghệ thuật với hy vọng phát triển thể loại tranh in này lên một bước mới, hiện đại và bắt nhịp với tranh in thế giới.
Đem đến triển lãm tác phẩm duy nhất là chiếc váy sử dụng kỹ thuật khắc gỗ, in rập và batik, Nguyễn Hữu Trâm Kha cho biết cô lấy cảm hứng sáng tác từ chính bản thân mình câu chuyện của bản thân. “Vết thương lòng hay nỗi cô đơn của người phụ nữ là sự thay đổi cảm xúc trong tôi – một sự chuyển động trong tâm hồn. Tác phẩm là không gian cá nhân đưa tôi đến gần với những người xung quanh. Đó chính là sự xuyên thấu hay liên kết cảm xúc bằng những “sợi dây” hữu hình và vô hình. Nghệ thuật đã giúp tôi chia sẻ tâm hồn mình, chia sẻ là cách tôi hàn gắn vết thương tâm hồn và đó cũng là cách để tôi tìm thấy niềm hạnh phúc thật sự” – Trâm Kha chia sẻ.
Tác phẩm Mây vuông hoàn hảo của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương được lấy cảm hứng từ những sợi mì ăn liền. Anh cho rằng mì ăn liền vừa đại diện cho hình ảnh cuộc sống tạm bợ, vừa được công nghệ quảng cáo (bằng những ngôi sao showbiz Việt) biến thành những món ăn sang trọng. “Mì ăn liền đã trở thành một biểu tượng của sự lẫn lộn giữa các giá trị thật và giả, cao và thấp… đang rất phổ biến trong xã hội. Qua hình tượng mì ăn liền tôi muốn đặt câu hỏi: Việc lan rộng của sự lẫn lộn các giá trị, thói ăn sổi ở thì, tạm bợ dễ dãi sẽ đến đâu, liệu có che lấp các giá trị của cuộc sống?”
Các giá trị của cuộc sống trong tranh của Nguyễn Nghĩa Phương chính là tình yêu, niềm tin, hi vọng, hạnh phúc nằm ở lớp bên trong, phía sau phần đục rỗng của bức tranh. Chúng được những thợ làm tranh dân gian Đông Hồ khắc và in trên giấy điệp.
Với 2 tác phẩm sắp đặt động là Cười và Kéo co, tác giả Phạm Khắc Quang muốn nhấn mạnh đến tính tình cảm của mối quan hệ và văn hóa giao tiếp kiểu làng xã Việt. Thông qua hình ảnh chú Tễu trong nghệ thuật múa rối nước truyền thống, Khắc Quang muốn diễn đạt những giá trị của tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau trong khó khăn, và cũng chính những giá trị đó đôi khi cũng gây ra sự ràng buộc, níu kéo một cách tùy tiện để thỏa mãn nhu cầu, mục đích thấp hèn và ích kỷ cá nhân. Mỗi tác phẩm được ghép bởi 12 bản khắc gỗ in màu và đen trắng được liên kết với nhau theo hình thức của đèn kéo quân tương ứng với số thời gian một vòng kim đồng hồ chạy, một năm, một giáp.
Từ trong nhà hộp của Nguyễn Khắc Hân lấy hình ảnh từ những nhà hộp, nhà lồng của các khu tập thể cũ, nhìn có vẻ vô hại nhưng bên trong lại chứa đựng những câu chuyện đau lòng. Sắp đặt phim tĩnh Hình dáng của ký ức của Nguyễn Quang Vinh tái hiện hành trình thay đổi về môi trường, không gian sinh sống của chính Vinh khi còn học ở Trung Quốc qua việc mô tả lại con đường Hà Nội – Bắc Kinh, Bắc Kinh – Hà Nội. Đó là sự nhìn lại, đi sâu hơn vào ký ức bản thân, đánh giá lại mình, suy nghĩ về những được - mất của thế hệ trẻ đi du học trong thời toàn cầu hóa.
“Thực tế những hình trên nền vải trắng đều sử dụng nghệ thuật khắc gỗ và nếu như trước kia khắc gỗ chỉ là 2D in trên giấy và dán trên tường thì giờ khắc gỗ mở ra rất nhiều, như là in trên plastic, in trên vải và nhiều chất liệu nữa. Cách thể hiện của mỗi nghệ sĩ cũng khác nhau, chủ yếu mang một mục tiêu chính là nâng khắc gỗ lên một tầm cao mới, hiện đại hơn xưa và sức ảnh hưởng của nó rộng trong đời sống và nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần như xưa nữa.” Trâm Kha chia sẻ.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng đến ngày 4/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Bình Yên