Đọc lại tác phẩm:

“Ám ảnh” khi đọc…“Người tình”

(Dân trí) - Mối tình đầu khác thường của một thiếu nữ Pháp 15 tuổi và người đàn ông Trung Hoa giàu có được nữ văn sĩ Marguerite Duras miêu tả đầy lôi cuốn trong “Người tình”. Đó không chỉ là sự lôi cuốn về những cảnh nồng nàn tinh tế mà còn là sự lôi cuốn về một chuyện tình vừa đẹp đẽ vừa ám ảnh.

Mối tình đầu cuồng si và đau đớn

 

“Mười lăm tuổi rưỡi, đang lúc qua sông…”, những dòng hồi ức vấn vít của một thiếu nữ da trắng về mối tình đầu tiên được khơi nguồn như thế. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, trên con phà qua sông Mê Kông, hình ảnh cô gái Pháp, dáng vẻ phớt đời với đôi môi đỏ thẫm nhìn về phía dòng sông xa xăm đã làm trái tim người đàn ông Trung Hoa run rẩy. Chỉ qua cái nhìn, vài lời thoại hiếm hoi, sự chờ đợi vừa dai dẳng vừa kênh kiệu, cô đã “thuộc” về người tình Chợ Lớn.

 

Bỏ lại đô thị Sài Gòn náo nhiệt sau cánh cửa chớp trong căn hộ độc thân của người tình, cô gái Pháp và người đàn ông hơn mình 12 tuổi chìm ngập trong không gian say đắm của thể xác. Hai người trò chuyện, tắm cùng nhau, tưới cây cảnh… Không gian đậm đặc, im ắng trong căn hộ lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết của Marguerite Duras.

 

Xen kẽ khoảng thời gian bên nhau của “người tình” là những dòng ký ức của thiếu nữ Pháp. Đó là hồi ức về người mẹ đau khổ, kiệt quệ với tình yêu mù quáng dành cho con trai cả. Đó là tình che chở cho người anh út yếu đuối và sự căm ghét tột đỉnh người anh cả bê tha, nhục mạ em gái để moi tiền… Còn người đàn ông không thể rời xa thân hình mỏng manh của cô lại cam chịu, yếu đuối với cuộc hôn nhân sắp đặt của người bố…

 

Ngày cô gái phải trở về Pháp. Trên boong tàu, cô cố ngóng nhìn người tình lớn tuổi để xem anh có đến không? Cô đã từng bất cần và kiêu hãnh gạt bỏ cơ hội để anh bày tỏ tình cảm. Cô ném chiếc nhẫn xuống biển, lần này không phải vì bất cần mà vì tức tối, vì đau đớn, vì yêu… 

 

Ám ảnh và “gây sốc”

 

Đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Marguerite, người đọc không thể không dùng từ “ám ảnh và gây sốc”. Ám ảnh về những bức tranh đời sống được tái hiện sống động, sắc nét qua những câu văn trống trải, mở rộng sự suy tưởng. Còn “gây sốc” không phải về khía cạnh cuốn tiểu thuyết “giật gân câu khách” mà nó tác động rất mạnh đến nhận thức độc giả.

 

Không chỉ ám ảnh bởi những đoạn văn tràn ngập cảm xúc yêu đương - đoạn mở đầu của cuốn “Người tình” cũng hiện lên mang vẻ đẹp vừa ám ảnh vừa rạng rỡ. Hình ảnh thiếu nữ Pháp trên chuyến phà qua sông Mê Kông lúc trời sáng đã làm bao trái tim thổn thức khi xem bộ phim cùng tên của đạo diễn Jean - Jacques Annaud vào năm 1992.

 

“Ám ảnh” khi đọc…“Người tình” - 1

Diễn viên “nhí” người Pháp Jane March và tài tử điện ảnh Hồng Kông - Lương Gia Huy trong một cảnh phim “Người tình”. 

 

Thiếu nữ Jane March (diễn viên đóng vai cô gái Pháp 15 tuổi), dáng vẻ mỏng manh, bất cần, đôi môi đỏ thẫm nhìn về phía dòng sông xa xăm. Chính hình ảnh của cô gái đoạn mở đầu cuốn tiểu thuyết được tái hiện trên phim ảnh mà nhiều du khách muốn đến ngay xứ sở chín rồng với hi vọng tìm lại chút rung động cho riêng mình.

 

Xúc động không kém là đoạn cô gái lên tàu trở về Pháp với nỗi đau ám ảnh. Người tình không đến, cô gái từ kiêu bạc chuyển sang giận dữ rồi bật khóc. Cô ném chiếc nhẫn như muốn rũ bỏ nhưng nỗi ám ảnh càng dâng trào. Ở phía xa, tại một góc khuất, chiếc ô tô quen thuộc của người đàn ông Trung Hoa im lìm hướng về phía con tàu. Nước mắt chảy dài trên gò má…

 

Kết thúc cuốn tiểu thuyết “Người tình”, cô gái 15 tuổi ngày nào đã trở thành một nhà văn đến tuổi “gần đất xa trời”, vào một ngày, cô nhận được cú điện thoại của người tình năm xưa. Anh nói, anh đã đến tiễn cô. “Và rồi anh không còn biết nói gì với cô nữa. Và rồi anh đã nói… rằng mọi sự vẫn như trước, rằng anh yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết”.

 

“Người tình” dựa trên chuyện tình có thật?

 

“Mẹ đẻ” của “Người tình” (tựa gốc: L’Amant) là bà Marguerite Duras (4/4/1914 - 3/3/1996) - nữ văn sĩ nổi tiếng của Pháp. Bà sinh ra tại Gia Định, Sài Gòn. Bố của bà sau khi bị ốm đã quay về Pháp và mất, để lại vợ cùng ba đứa con sống trong cảnh nghèo túng. Cuộc sống khó khăn này đã ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm của Marguerite như: Đập ngăn Thái Bình Dương, Người tình, Người tình Hoa bắc…

 

Sau khi ra đời, nhiều người quả quyết cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện của Marguerite dựa trên mối tình có thật của bà trong nhưng năm tháng sống tại Việt Nam. Đó là một chuyện tình gắn liền với ký ức thời thiếu nữ của bà. Trên chuyến phà trên dòng Mê Kông nối liền Sa Đéc với Vĩnh Long, Marguerite đã gặp người tình của mình - công tử Huỳnh Thủy Lê…

 

Những “lời đồn” về cuộc tình có thật của nữ văn sĩ càng tăng thêm độ “hot” của “Người tình”. Cuốn sách đoạt giải thưởng văn học Goncourt năm 1984 và cũng là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của bà với hơn 2 triệu bản bán ra tại Pháp và được dịch, xuất bản tại 36 quốc gia.

 

Bộ phim dựa trên tác phẩm “Người tình” do Jean - Jacques Annaud đạo diễn, nữ diễn viên “nhí” Jean March và tài tử điện ảnh Hồng Kông Lương Gia Huy thủ vai chính cũng gặt hái được thành công vang dội bất kể ý kiến cho rằng “bộ phim là một thất bại so với nguyên tác văn học”.

 

Mời các bạn xem trailer bộ phim Người tình với sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên “nhí”Jean March và tài tử điện ảnh Hồng Kông Lương Gia Huy:

 

 

 

 

 

Nguyễn Hằng