1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ái Vân: Chưa thể về hẳn quê nhà

Sau nhiều chuyến về nước biểu diễn, ca sĩ Ái Vân quyết định phát hành một album riêng để “làm quà cho khán giả và cho chính mình”.

Album Tình cầm, do Sài gòn Vafaco phát hành, với những ca khúc gắn liền với tên tuổi Ái Vân được nhiều khán giả yêu thích như: Mùa thu cho em, Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Bài Tango cho em (Lan Phương), Ai đưa em về, Buồn ơi! chào mi (Nguyễn Ánh 9),...

Chị tâm sự: “Nếu như đời người được ví như một con đường có điểm dừng thì tôi như người đã đi được một nửa trên con đường ấy... có lúc, tưởng như tôi đã phải gục ngã vì tuyệt vọng, mệt mỏi và đau đớn. Nhưng thật may mắn, tôi đã vượt qua được, đó là yêu đời và trên tất cả là vẫn hát”.

Album Tình cầm có phải là dấu hiệu mở đầu cho cuộc trở lại thị trường ca nhạc VN của chị?

Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả yêu nhạc quê nhà là lời động viên, khích lệ không chỉ cho bản thân tôi mà tất cả nghệ sĩ mong muốn trở về quê nhà biểu diễn. Một, hai năm gần đây, tôi về VN biểu diễn rất nhiều nhưng ý định ở hẳn quê nhà thì tôi chưa nghĩ đến vì gia đình tôi còn ở nước ngoài.

Nhiều dư luận cho rằng, ở hải ngoại không còn nhiều đất diễn dành cho những nghệ sĩ lớn tuổi khiến họ phải trở về sân khấu VN?

Ít đất diễn không đồng nghĩa với việc một nghệ sĩ bị lãng quên. Dù ít biểu diễn nhưng khi nhắc đến một cái tên nào đó, khán giả sẽ biết ngay điểm nổi bật của giọng ca đó. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận, ở VN, nghệ sĩ được hát, biểu diễn nhiều hơn ở hải ngoại. Đã là nghệ sĩ, ai cũng muốn được cống hiến và giới thiệu nghệ thuật đến với tất cả mọi người. Chính vì vậy, ở nơi nào có điều kiện, nghệ sĩ sẵn sàng đến nơi đó.

Chị có nghĩ đến việc chinh phục khán giả trẻ khi trở lại sân khấu VN?

Mỗi nghệ sĩ, mỗi dòng nhạc đều có công chúng riêng. Theo tôi, một nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình chỉ cần trung thành với con đường mình chọn thì khán giả sẽ càng yêu mến họ hơn. Ở tuổi này, tôi không còn thời gian để làm những gì gọi là bứt phá hay đột phá.

Thiết nghĩ, tôi cũng không cần phải làm gì để có thể rút ngắn khoảng cách giữa thế hệ chúng tôi với khán giả trẻ. Bởi thực tế đã chứng minh, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ yêu thích nhạc trữ tình, tự sự trầm buồn.

Gia đình chị có truyền thống theo nghệ thuật, bản thân chị đã có truyền nhân nối nghiệp mình không?

Cả hai đứa con tôi đều không theo nghệ thuật. Đó là điều đáng tiếc nhưng tôi không thấy buồn. Bởi, sân khấu rất công bằng. Nếu không có năng khiếu và niềm đam mê, anh sẽ bị sa thải không khoan nhượng. Chính vì vậy, nếu các con tôi không có năng khiếu hay say mê nghệ thuật, tôi không khuyến khích chúng phải đi theo con đường mà tôi đi. Bởi có ép, chúng cũng không gặt hái được gì. Và như vậy, thà đừng làm thì tốt hơn.

Theo đuổi nghệ thuật suốt mấy mươi năm, bản thân chị có thấy hối tiếc điều gì cho sự nghiệp của mình?

Nếu kiếp sau được chọn nghề, tôi vẫn theo nghề ca hát. Nghệ thuật rất huyền diệu, nó giúp cho người ta luôn có niềm vui, sự lạc quan. Ngay cả khi tôi thấy mình đau khổ nhất thì nghệ thuật chính là cứu cánh giúp tôi vượt qua những khổ ải đó.

Nhiều người đã chọn dừng lại ở đỉnh cao để bảo tồn tên tuổi của họ trong lòng khán giả?

Bản thân tôi cũng thấy đây chính là thời điểm mà tôi nên dừng lại. Thế nhưng, tiếng gọi sân khấu với tôi còn mạnh mẽ quá và nhiều khán giả còn muốn nghe tôi hát, chính vì vậy, tôi vẫn còn xuất hiện trên sân khấu.

Thế nhưng, liệu phong độ của chị có đủ sức bảo vệ những thành tựu mà chị đã có được từ trước đến nay?

Hiện nay, tôi đi hát vì niềm vui tinh thần của khán giả và của chính mình. Không chịu gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, tôi tin rằng mình không đến nỗi làm mất phong độ của mình.

Theo Thùy Trang
Người Lao Động