1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011

(Dân trí) - Trong năm 2011 đã có nhiều sự kiện Văn hóa diễn ra trên cả nước. Tuy nhiên Dân trí xin điểm 5 sự kiện Văn hóa được cho là gây chú ý nhất trong năm 2011.

1. Giải thưởng HCM, giải thưởng Nhà nước gây tranh cãi

 

Năm nay, Bộ VH-TT-DL xét duyệt hồ sơ đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, danh hiệu NSND, NSƯT khối đơn vị thuộc Bộ và các Hội văn học nghệ thuật. Nhưng ngay từ khi có danh sách các cá nhân, tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, những tranh cãi nảy lửa đã “nổ” ra.

 

Bắt đầu từ việc một số nhạc sỹ đệ đơn lên Hội đồng xét duyệt cấp Bộ khiếu kiện về chuyện những cá nhân, tác phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực âm nhạc năm nay không hề xứng đáng. Ngay sau đó, Hội âm nhạc Hà Nội cũng viết đơn gửi đi nhiều nơi đề nghị đưa nhạc sỹ Phạm Tuyên vào danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp của ông với âm nhạc. Nhận đơn khiếu kiện từ Hội âm nhạc Hà Nội, Hội nhạc sỹ Việt Nam yêu cầu nhạc sỹ Phạm Tuyên phải tự tay viết đơn xin xét tặng, sau đó hoàn thiện hồ sơ để Hội đồng cơ sở nộp lên trên “xin” Giải thưởng cho nhạc sỹ.
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 1
Nhạc sỹ Phạm Tuyên trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi quanh Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

 

Trước yêu cầu phải viết đơn xin, nhạc sỹ Phạm Tuyên cương quyết từ chối. Nhạc sỹ khẳng định, những đóng góp với âm nhạc của ông, những ca khúc của ông vẫn còn đó, khán giả và thời gian sẽ là những người thẩm định sáng suốt nhất. Nhạc sỹ không làm đơn xin để có được Giải thưởng….

 

Ở lĩnh vực điện ảnh, Giải thưởng Nhà nước cũng gây tranh cãi gay gắt giữa đạo diễn Nguyễn Thước và hai biên kịch Thanh Tú, Phan Huyền Thư (hãng phim Tài liệu và Khoa học TW). Những tranh chấp về quyền tác giả đã khiến “bộ ba” có những cuộc đấu khẩu mạnh mẽ trên truyền thông.
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 2
Những cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra quanh Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh.

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã phải lùi thời gian trao giải trước những tranh cãi ồn ào.

 

Một câu đặt ra, điều gì đã khiến cho những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh mất đi uy tín từng có?

 

2. Bình chọn vịnh Hạ Long

 

Cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long lọt top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới được Cục Hợp tác quốc tế xúc tiến từ cách đây 4 năm, tuy nhiên chiến dịch tăng tốc vận động bắt đầu từ cuối tháng 9/2011 mới thực sự gây nhiều chú ý và ồn ào trong dư luận.

 

Việc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long càng trở nên ồn ào khi người được chọn làm đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam, là người sát cánh với cuộc vận động bầu chọn là nữ diễn viên sở hữu vẻ đẹp gợi cảm Lý Nhã Kỳ. Dư luận càng “nóng” hơn bao giờ hết khi xuất hiện những nghi vấn xoay quanh nhân thân, bằng cấp đại học và những “tai tiếng về hình ảnh” trong lĩnh vực giải trí. Người đồng tình ủng hộ một cách làm mới, tươi trẻ và đồng ý cho Lý Nhã Kỳ một cơ hội mới không ít mà người phản đối cô cũng nhiều…
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 3


 

Dù vẫn còn những luồng ý kiến trái chiều, những nghi vấn có chuyện kinh doanh xung quanh việc bầu chọn; tuy nhiên với việc Vịnh Hạ Long được lọt top 7 Kỳ quan thiên nhiên mới (được công bố chính thức vào ngày 11/11/2011); với cách nhìn nhận tích cực có thể khẳng định cuộc vận động bầu chọn đã thành công về mục tiêu quảng bá, tiếp cận thế giới và hối thúc to lớn mọi người bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long.

 

Bên cạnh đó, cũng qua cuộc vận động bầu chọn này, tình đoàn kết, tình yêu thiên nhiên, long tự hào dân tộc của người Việt Nam càng được củng cố sâu đậm. Sự ủng hộ của bạn bè thế giới cũng rất đáng cảm kích.

 

3. Thất thoát tiền ở Cục Điện ảnh

 

Bắt đầu từ tháng 6/2011, thông tin về kế toán viên của Cục Điện ảnh bỏ trốn sang Canada cùng số tiền gần 40 tỷ đồng đã làm chấn động dư luận, nhất là với giới làm phim. Tháng 9/2011, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh lần lượt xin từ chức. Vốn đã gặp nhiều khó khăn, điện ảnh như rơi vào ngõ cụt bế tắc trước vụ bê bối thất thoát tiền.

 

Hiện cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận chính thức. Dù đã phát lệnh truy nã, kế toán viên vẫn “biệt vô âm tín”. Việc truy cứu đến cùng trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ bê bối liên quan đến tiền ở Cục Điện ảnh xem ra chưa thể có hồi kết. Và không biết đến bao giờ mới có được hồi kết?
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 4
Hai lãnh đạo Cục Điện ảnh đã từ chức sau bê bối thất thoát tiền

 

Tháng 12/2011, LHP 17 được tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ phía cán bộ lãnh đạo của Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch. Quy mô lớn, thảm đỏ lộng lẫy, dàn “sao” đông đảo… Tuy nhiên, kết quả giải thưởng của LHP vẫn là chuyện bi hài muôn thuở. Những giải thưởng vô lý, những Bông Sen trao nhầm, những vinh danh không thuyết phục khiến giấc mơ lấy lại niềm tin từ khán giả của điện ảnh Việt vẫn chỉ là chuyện tìm… “trăng nơi đáy giếng”!

 

4. Từ chuyện chiếc quần ren đến cơ chế quản lý

 

Không phải bắt đầu từ khi Minh Hằng diện quần ren đi hát ở Quảng Bình (tháng 8/2011), nghệ sỹ Việt mới bị lên án về việc ăn mặc phản cảm. Trang phục hở, lộ, xuyên thấu, trong suốt… thậm chí còn đang là cơn sốt, đang là trào lưu được giới nghệ sỹ Việt ưa chuộng. Khán giả hằng ngày vẫn phải “đối diện” với tràn lan hình ảnh siêu mẫu A khoe 3 vòng, ca sỹ B “bức tử” vòng 1, hay diễn viên C khoe thân nóng bỏng….
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 5
Cơ quan quản lý còn "giơ cao đánh khẽ" đến bao giờ?

 

Việc Minh Hằng mặc quần ren đi hát ở Quảng Bình chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Dư luận phản đối dữ dội. Lúc ấy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới vào cuộc. Trước sóng gió dư luận, Cục cũng lên tiếng mạnh mẽ, khảng khái lắm. Cục hứa sẽ điều tra, sẽ xử phạt đến nơi đến chốn từ Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình đến ban tổ chức chương trình, và rằng sẽ quy trách nhiệm đến từng cá nhân… Cuối cùng, sau những lời lẽ đanh thép, Cục đã quyết định xử phạt BTC đêm nhạc- những người đã để ca sỹ Minh Hằng mặc quần ren lên sân khấu biểu diễn, số tiền xử phạt lên tới… 3,5 triệu đồng!

 

“Giơ cao đánh khẽ”, xử phạt theo kiểu… “vuốt ve” bằng chổi lông gà, thử hỏi, xử phạt để làm gì? Chẳng lẽ, chỉ để “làm trò” với dư luận?

 

5. Lùm xùm quanh việc thu hồi sách

 

Ngày 25/10, cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ do Công ty Nhã nam & NXB Mỹ Thuật ấn hành in những câu nói “độc chiêu quen thuộc” của giới trẻ cùng với phần tranh minh họa hài hước của họa sĩ Thành Phong bị thu hồi khi bị dư luận lên án dữ dội vì những ngôn từ làm méo mó, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Không lâu sau đó, ngày 1/11 tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên do công ty sách Phương Nam kết hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản cũng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM quyết định tịch thu. Cuốn sách này bị cho rằng “truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”…
 
5 sự kiện Văn hóa gây chú ý trong năm 2011  - 6


 

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều cuốn sách “độc” bị phát hiện và thu hồi. Sách không “chất lượng” bị thu hồi là chuyện không ai bàn cãi. Nhưng vấn đề được đặt ra sau những vụ thu hồi này là sự lỏng lẻo, không nghiêm túc trong khâu kiểm duyệt và ấn hành được giới truyền thông ví như chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”!

 

Đáng chú ý hơn là sự “vênh” về quan điểm giữa một bên là cơ quan có thẩm quyền thu hồi và một bên là các nhà văn tên tuổi, người trực tiếp biên tập các cuốn sách dẫn đến những tranh luận không đi đến cùng trên các phương tiện truyền thông, dễ khiến cho dư luận có cái nhìn không mấy thiện cảm.

 

Một nghịch lý nữa đáng để cho mọi người cùng suy ngẫm: sách càng bị cấm, bị thu hồi càng bị in lậu nhiều, càng có cơ hội “phổ cập” tới tâm hồn độc giả!

 

Nhóm PV