10 cái dở của phim truyền hình Việt Nam
Phim truyền hình Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều. Bên cạnh một số phim khá, còn một tỷ lệ đáng kể những phim yếu kém, làm giảm cảm tình của người xem.
1. Miêu tả tình yêu còn sượng: Một trong những điều người xem khó “tiêu hoá” là nhiều bộ phim đề cập đến tình yêu ít thuyết phục, nhiều tình huống giả tạo, yêu “lấy được”. Diễn viên diễn xuất thì do phải “giữ kẽ” nên không dám biểu hiện hết mình dẫn tới những cái... hôn gượng gạo.
Phản ánh trước những cảnh yêu đương trên phim chính là lớp tuổi trẻ hiện đại. Họ nói: “cứ như là giả vờ yêu”. Say đắm không ra say đắm. Thiết tha không ra thiết tha. Nhấm nhẳn kiểu trẻ con cũng chẳng hẳn... Tóm lại là... sượng.
2. Cười, khóc gượng: Nhiều phim, tình huống không đẩy tới trạng thái tâm lý khiến nhân vật phải cười (hoặc khóc) nhưng vẫn vang lên những cái cười hô hố, ha hả, hoặc những cái khóc thút thít, lâm ly.
Đâu phải chỉ có cười mới là phương tiện duy nhất để diễn tả niềm vui sướng cũng như chỉ có khóc mới diễn tả được nỗi buồn đau? Cười không phải là tận cùng của niềm vui, và khi đau khổ đến tột độ, người ta chẳng thể khóc được nữa, giống như một bài hát rất hay của nhạc sĩ Xuân Hồng viết về mẹ đã có một câu rất chí lý: “Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con...”.
3. Diễn viên nhí không vào được vai diễn: Không phải là các cháu không có khả năng mà là công tác chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn yếu. Ai đã có dịp xem phim Cậu bé Sêri Ôda của đạo diễn Bôn Đa Trúc, qua diễn xuất tuyệt vời của một diễn viên nhỏ tuổi vào vai chính sẽ thấy chưa thể chấp nhận các diễn viên nhí của ta trên phim truyền hình, nhất là khi các bé nói những lời lẽ hoặc là “già”, vượt quá lứa tuổi, hoặc lại cố tình ngây thơ, rất thiếu tự nhiên.
4. Diễn xuất yếu kém: Bệnh chung của nhiều diễn viên là diễn quá... kịch. Diễn viên điện ảnh cần diễn xuất tự nhiên như cuộc sống đời thường, chứ không thể như trên sân khấu kịch nói. Trong một phim nọ, có hai vợ chồng trong phòng đang nói chuyện, bàn bạc việc gì đó.
Trong phòng có giường, sa lông, tại sao hai vợ chồng lại đứng, rồi vừa đi đi lại lại vừa đối thoại. Hãy thử hình dung: trong cuộc sống hàng ngày, có cặp vợ chồng nào lại như thế? Chỉ có thể có trên sân khấu mà thôi.
Có những diễn viên không lấy gì xuất sắc, diễn xuất rất đơn điệu nhưng tham gia quá nhiều phim trong thời gian ngắn, vai sau chẳng khác vai trước, cách diễn trùng lặp, gây cảm giác nhàm chán, khiến người xem chẳng thể nhớ nổi đang xem phim mới hay xem lại phim cũ. Giọng nói của các nhân vật rất thiếu thuyết phục vì khác xa cách giao tiếp hàng ngày.
5. Tên phim rất kỳ khôi: Ví như Tình yêu có bao giờ sai chẳng hạn. Bản thân tình yêu (danh từ) không thể có chuyện sai, đúng, mà chỉ kẻ đang yêu có những hành xử (động từ), sai, đúng, tốt, xấu mà thôi. Chẳng hiểu tác giả phim có chút hiểu biết gì về ngôn ngữ tiếng Việt không mà lại có thể đặt một cái tên kỳ cục như vậy?
6. Nhiều chi tiết “rập khuôn”: Rất nhiều phim có những chi tiết sau: Một nhân vật đang ốm yếu hoặc già (gần đất xa trời) hễ cứ nghe một tin “dữ” hoặc chuyện buồn phiền là ngất xỉu (đang cầm điện thoại thì đánh rơi rồi đổ sụp xuống; đang đi lăn quay ra đường; ở nhà thì sõng xoài ra nền nhà...) khiến người xung quanh phải xúm lại hô hoán, hoảng hốt.
Liền sau đó là chuyển sang cảnh xe cấp cứu rúc còi inh ỏi vào bệnh viện... Tất nhiên làm như vậy không sai, không có gì “vô lý”. Nhưng chẳng lẽ không có cách xử lý nào khác để phải rơi vào tình trạng lặp lại quá nhàm như thế?
7. Nhạc dông dài, quá nhiều, lấn át lời thoại của các nhân vật khiến người xem khó chịu vì không nghe được nhân vật nói gì. Phần nhiều bài hát trong phim không hay, gây khổ tai cho người xem, tuy ca sĩ có giọng hát tốt.
9. Sử dụng các thước phim tư liệu không khéo, gây cảm giác lộ liễu, không thật (khi cần nói về quá khứ, nhất là chiến tranh). Những cảnh đấm đá, đấu dao, mang tính chất “chưởng” rất giả và gượng, trẻ con xem cũng biết là diễn viên đang diễn vụng, chứ không bị cuốn vào không khí thật.
10. Người xem có thể biết trước phim diễn biến và kết thúc ra sao.
Đó là 10 cái dở khá phổ biến mà phim truyền hình Việt Nam hiện nay đang mắc phải hầu như không thấy ở các phim truyện nước ngoài, ít nhất là các nước gần chúng ta như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông... Phim của họ nếu có bộ nào chưa hay thì chủ yếu là nội dung, ở cốt truyện chưa hấp dẫn chứ rất ít mắc vào 10 cái dở như vừa nói. Không trách người xem sính phim truyền hình ngoại mà chê phim nội, âu cũng là điều dễ hiểu.
Theo Đại Đoàn Kết/Lao Động