Ép vợ làm tình có phải bạo lực gia đình?

(Dân trí) - Dù Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã đi vào cuộc sống, vẫn còn không ít người coi những hành vi vi phạm pháp luật không phải là bạo lực, như: Đánh vợ khi vợ làm điều sai trái; Bắt ép vợ phải làm tình; Không cho phép vợ về thăm bố mẹ đẻ…

Tại cuộc Hội thảo khoa học “tuyên truyền bình đẳng giới - phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Tạp chí Cộng sản, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 16-11 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học cho rằng, ở Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến giới, bất bình đẳng, gây cản trở cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ và việc thiết lập công bằng xã hội trong quan hệ giữa nam và nữ.

 

Hiện nay, trên báo chí còn có rất nhiều quảng cáo tuyển lao động có phân biệt đối xử giữa nam và nữ, trái với quy định về bình đẳng nam nữ của luật pháp Việt Nam. Những quảng cáo này vừa hạn chế cơ hội của phụ nữ, vừa củng cố thêm định kiến giới trong xã hội và Nhà nước cần nghiêm cấm (ít nhất là các cơ quan Nhà nước) những quảng cáo như vậy…

 

TS Vũ Mạnh Lợi cũng cho rằng, mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào ngày 21-11-2007, nhưng hiện vẫn còn không ít người dân Việt Nam coi những hành vi vi phạm pháp luật không phải là bạo lực, ví như: đánh vợ không để lại thương tích; Đánh vợ khi vợ làm điều sai trái; Bắt ép vợ phải làm tình; Không cho phép vợ về thăm bố mẹ đẻ…

 

Nghiên cứu mới đây tại 8 tỉnh của Ủy ban các vấn  đề xã hội của Quốc hội công bố tháng 5 - 2009 cho thấy, chỉ có 55% số người trả lời cho biết có nghe nói đến bạo lực gia đình (nam là 63,4%, nữ là 47,6%). Những người có nghe nói đến bạo lực gia đình thì chủ yếu chỉ nghe nói đến bạo lực về thân thể như đánh vợ. Rất ít người coi việc ép buộc vợ làm tình là bạo lực. Người có học vấn càng thấp, tỷ lệ không biết về bạo lực gia đình càng cao: 44% đối với người có trình độ tiểu học trở xuống, 17% đối với người có trình độ trung học cơ sở, 12% đối với người có trình độ trung học phổ thông, và chỉ có 2% đối với người có trình độ đại học hay cao đẳng.

 

Nhà báo Trần Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, người có hàng chục năm phụ trách mảng Hôn nhân - Gia đình, cho rằng: Nguyên nhân xảy ra bạo lực gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là bạo hành thân thể với phụ nữ là:

 

Đàn ông uống (nghiện) rượu, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, do kém hiểu biết, dân trí thấp, tỷ lệ phụ nữ thất học hoặc có học vấn thấp nhiều hơn nam giới…

Mặt khác, do kinh tế xã hội phát triển, xu hướng thị trường hóa len vào mọi gia đình, mọi mối quan hệ, khiến cho một số người chồng/người vợ sa đọa trong đạo đức lối sống, ngang nhiên làm những việc trái pháp luật… Và đó cũng là một nguyên nhân quan trọng làm tăng tệ nạn bạo lực gia đình với phụ nữ.

 

Trí Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm