5 dấu hiệu chứng tỏ gia đình bạn thiếu gắn kết

Nhịp sống hiện đại với áp lực công việc và cuộc sống đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết của các gia đình vốn được tạo nên từ thời gian chất lượng các thành viên dành cho nhau…

Mức độ gắn kết gia đình nghe qua ngỡ là một khái niệm xa lạ, nhưng thực chất lại khá phổ biến ở các quốc gia phát triển và có chỉ số hạnh phúc cao như Đan Mạch, Hà Lan. Nhà tâm lý học Daniel Goleman khẳng định, gia đình là trường học cảm xúc đầu tiên và tối quan trọng của mỗi con người, góp phần rất lớn trong việc định hình tính cách cũng như quyết định hạnh phúc tương lai của từng cá nhân. Khoa học đã chứng minh một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có sự gắn kết bền chặt sẽ thông minh hơn về mặt cảm xúc, tự tin, vui tươi hơn và ít cảm thấy “lạc lối” trong giai đoạn trưởng thành.

Sự
gắn kết gia đình tác động tích cực đến sự phát triển về mặt tinh thần của trẻ
Sự gắn kết gia đình tác động tích cực đến sự phát triển về mặt tinh thần của trẻ

Ở Việt Nam, theo một khảo sát của báo Tuổi Trẻ gần đây, có đến gần 87% trong số 38.362 độc giả không dành đủ thời gian cho gia đình, đặc biệt tới gần 57% chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày. Còn với câu hỏi thời gian cho bữa ăn gia đình, trong 22.848 độc giả tham gia khảo sát, hơn 87% dành thời gian ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, đáng chú ý là có tới 60% cho biết họ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần. Con số này cho thấy tình trạng gắn kết của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng trở nên lỏng lẻo. Nếu bạn cũng đang cảm thấy “tổ ấm” của mình dường như có nguy cơ biến thành “tổ lạnh” nhưng không chắc chắn về điều đó, hãy tham khảo 5 dấu hiệu sau đây:

  1. Gia đình bạn hiếm khi ăn tối cùng nhau: Bữa ăn tối đóng vai trò như “xương sống” của một gia đình hạnh phúc. Sau một ngày dài, bữa tối chính là thời gian tuyệt vời để các thành viên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, qua đó hiểu và thông cảm hơn cho những áp lực mỗi người phải đương đầu. Nếu gia đình bạn ăn tối với nhau ít hơn 3 lần/tuần, đây là dấu hiệu báo động của sự “xuống dốc” trong gắn kết của gia đình bạn.
  2. Thời gian bên nhau bị iPad, TV “chiếm dụng”: Không thể phủ nhận sức hấp dẫn iPad và TV nhưng liệu bạn và các thành viên trong nhà có đang để các thiết bị này “chiếm dụng” quỹ thời gian của gia đình? Sẽ là vấn đề lớn nếu trong những lúc đi chơi, ăn tối mà mọi người trong nhà vẫn không rời mắt khỏi màn hình thay vì đối thoại cùng nhau.

3.      Gia đình bạn ít có những sở thích, hoạt động chung: Đã bao lâu rồi gia đình bạn chưa vào bếp nấu một món khoái khẩu hay đến công viên dạo chơi cùng nhau? Gần đây gia đình bạn có chia sẻ với nhau về một bộ phim hay một cuốn sách mới cả nhà cùng tâm đắc? Nếu gia đình bạn ít khi chia sẻ những sở thích, hoạt động chung cùng nhau, chứng tỏ rằng mức độ gắn kết gia đình bạn chưa bền chặt.

4.      Gia đình bạn ít khi chia sẻ cởi mở với nhau: Giao tiếp thoải mái, cởi mở chính là “chìa khóa” giải quyết mọi vấn đề. Hãy nhớ lại xem bạn có hay “ôm cục tức” đi ngủ sau mỗi lần cãi nhau với chồng/vợ? Cô con gái đang tuổi dậy thì có thường xuyên tâm sự với mẹ về những người bạn khác phái hay những băn khoăn trên trường lớp? Sẽ không tốt chút nào nếu các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên “phòng thủ” với nhau hơn.

5.      Ít liên hệ với họ hàng: Mối liên hệ với những người họ hàng trong gia đình cũng phần nào phản ánh sự gắn kết của gia đình bạn. Các con của bạn có thường xuyên chơi cùng anh chị em họ không? Bạn có thường xuyên thăm hỏi những người thân trong gia đình lớn của mình? Nếu câu trả lời là “không” thì gia đình bạn đã bị điểm trừ về sự gắn kết rồi đấy!

Hãy để con bạn được thường xuyên
chơi cùng anh chị em họ.
Hãy để con bạn được thường xuyên chơi cùng anh chị em họ.

Trên thực tế, để gia đình có mức độ gắn kết cao không phải là một việc quá phức tạp. Chỉ cần biết sắp xếp thời gian hợp lý và đều đặn duy trì những thói quen tốt cho sự gắn kết gia đình mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt tích cực trong tổ ấm. PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Để xây dựng sự gắn kết trong gia đình, cả nhà cần dành thời gian cho nhau tối thiểu 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, vì lịch làm việc và sinh hoạt của mỗi người mỗi khác nhau, không nhất thiết phải dành cho nhau liên tục 1 giờ mà có thể chia nhỏ ra nhiều khoảng thời gian khác nhau như 20 phút cùng nhau ăn sáng và uống sữa trước khi ra khỏi nhà, 20 phút quây quần bên bữa cơm tối gia đình hay 20 phút trò chuyện tâm tình trước khi ngủ…”.

Mức độ gắn kết là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Vì vậy hãy dành cho những người thân yêu của mình đủ thời gian chất lượng để tổ ấm luôn có “chất keo” gắn kết, bạn nhé!

Bài trắc nghiệm tâm lý với 10 câu hỏi đơn giản được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn thực hiện sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra mức độ gắn kết hiện tại của gia đình bạn và liệu có hoạt động nào cần thiết cho sự gắn kết gia đình nhưng đã vô tình bị lãng quên trong mái ấm của mình. Thực hiện bài trắc nghiệm tại đây.  

Ngọc Lan