1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU - Việt Nam đàm phán về Hiệp định hợp tác phát triển mới

(Dân trí) - Cao ủy Đối ngoại và Chính sách Láng giềng Châu Âu Benita Ferrero-Waldner đã có cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm bên lề cuộc gặp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM tại Hamburg ngày 28/5/2007.

Hai bên đã nhất trí sớm bắt đầu đàm phán về một Hiệp định Đối tác và Hợp tác phát triển mới giữa EU và Việt Nam để thay thế cho hiệp định hợp tác năm 1995, cũng như đánh giá lại những bước phát triển gần đây trong quan hệ song phương, trong đó có lĩnh vực nhân quyền.

 

Phát biểu sau cuộc gặp, Cao ủy Ferrero-Waldner cho biết, "Tôi rất vui mừng được thông báo rằng Ủy ban châu Âu và Việt Nam sẽ sớm bắt đầu vòng đàm phán về một Hiệp định Đối tác và Hợp tác phát triển mới. Việt Nam là một đối tác quan trọng của EU tại Đông Nam Á và hiện chúng ta đang có cơ hội to lớn để đàm phán cho một hiệp định mới giữa EU và Việt Nam phản ánh đầy đủ quy mô của mối quan hệ hiện đang tiến triển hết sức tốt đẹp này.

 

Đối thoại song phương đã được mở rộng trong những năm gần đây và đề cập đến một lọat các vấn đề có tính chiến lược như tội phạm xuyên quốc gia, nhập cư và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng tăng cường các quan hệ hợp tác của chúng ta trên các lĩnh vực khác như giáo dục sau đại học, nghiên cứu và phát triển công nghệ".

 

Tiếp theo sau đề xuất của Ủy ban, ngày 14/5, Hội đồng châu Âu đã nhất trí đưa Việt Nam vào danh sách các nước sẽ triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác phát triển cùng với 6 nước ASEAN khác (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái lan, Philippines và Brunei).

 

Quan hệ hợp tác với Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ năm 2005 khi chính phủ Việt Nam chính thức triển khai Kế hoạch tổng thể về quan hệ với EU. "Kế hoạch tổng thể" là văn bản chiến lược chính thức đầu tiên của Việt Nam đối với một quan hệ song phương và có vai trò định hướng cho quan hệ hợp tác trong tương lai giữa hai bên.

 

Quan hệ EU-Việt Nam đang nở rộ với mức tăng trưởng thương mại song phương là 18%, đạt 8,75 tỷ euro năm 2006. Việt Nam sẽ còn được lợi hơn nữa từ một Hịêp đinh Thương mại Tự do EU-ASEAN mà thời điểm tiến hành vòng đàm phán đầu tiên đã được chính thức xác định hồi đầu tháng Năm này. Liên minh Châu Âu vẫn là một trong những nhà viện trợ phát triển hàng đầu tại Việt Nam, cam kết hơn 700 triệu euro cho năm 2007 tập trung chủ yếu vào các dự án xóa đói giảm nghèo.

 

Tại cuộc gặp, hai bên cũng đã thảo luận vấn đề nhân quyền. Cao ủy Ferrero-Waldner đã nêu quan ngại của EU đối với các vụ bắt giữ và xét xử gần đây các nhà họat động nhân quyền phi bạo lực tại Việt Nam. Ủy ban châu Âu khuyến khích chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được tôn trọng và các quan điểm chính trị khác nhau đều được tự do bày tỏ.

 

Để thêm thông tin mời vào:

http://ec.europa.eu/external_relations/vietnam/intro/index.htm

 

K.Nga

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm