Phát hiện tượng cổ bằng đá nguyên vẹn tại Dinh ông Hoàng Mười

Người dân đã bất ngờ phát hiện pho tượng cổ bằng đá 1 quan võ cao khoảng 1,5 m nằm dưới lớp đất sâu 1,4 m trong quá trình dọn dẹp mặt bằng Đền Cả, còn gọi là Dinh đô quan Hoàng Mười được xây dựng vào năm 1060.

Ngày 26/7, ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du (Hà Tĩnh), cho biết trong quá trình dọn mặt bằng tại Đền Cả (Dinh đô quan Hoàng Mười ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), người dân đã phát hiện một pho tượng cổ bằng đá còn nguyên vẹn.

 
Người dân phát hiện ra pho tượng cổ trong lúc dọn dẹp di tích
Người dân phát hiện ra pho tượng cổ trong lúc dọn dẹp di tích
 

Pho tượng được làm bằng đá thanh xanh, còn nguyên. Tượng bị lấp vùi trong đất ở độ sâu khoảng 1,4 m.

 

Qua quan sát, tượng được tạc đứng trên bệ hình chữ nhật liền khối, cao 1,50 m, hai tay nắm cây chùy vắt chéo lên vai, đường nét trên thân tượng còn khá rõ.

 

Khảo sát ban đầu cho thấy, đây là pho tượng quan võ trong bộ tượng quan võ - quan văn có vị trí đứng trước cổng Đền Cả.
 
Pho tượng cổ còn nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý để khảo sát, phục dựng Đền Cả
Pho tượng cổ còn nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý để khảo sát, phục dựng Đền Cả

Sau khi phát hiện pho tượng đã được người dân và những người làm công chuyển lên trước vị trí cổng đền để bảo vệ.

 

Đền cả - Dinh đô quan Hoàng Mười có niên đại khá sớm, được xây dựng vào năm 1060 thời nhà Lý (Sắc phong của vua Lý Thánh Tông) với quy mô kiến trúc đồ sộ. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ do nhiều tác động nên Đền Cả bị thu hẹp và chuyển dời hợp tự, ngôi đền nổi tiếng dần trở thành phế tích.

 

Pho tượng cổ được phát hiện trên sẽ là nguồn tư liệu quý để phục vụ cho quá trình khảo sát, phục dựng Đền Cả.

 

Theo H.Tình – B.Khoa

Người lao động