Xốn xang hương Trầm làng Quỳnh
(Dân trí) - Có người bảo rằng phải để lòng mình tĩnh tại thì mới cảm nhận được mùi thơm của trầm. Nhưng cũng có người nói, chính việc thưởng trầm làng Quỳnh giúp họ tịnh tâm.
Dẫu rằng chưa biết được chính xác cái nào có trước cái nào có sau, nhưng có một thực tế là trầm nơi đây cùng những giá trị của nó đã và đang hiện diện trong cuộc sống của nhiều người.
Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là một trong những cái nôi của hương trầm xứ Nghệ. Nghề hương trầm ở đây xuất hiện từ thế kỷ XVII và được các thế hệ con cháu bảo tồn, lưu giữ cho đến tận ngày nay. Để làm nên những que trầm, người làng Quỳnh đã phải cất công chuẩn bị đến cả năm trời.
Vừa hết tháng giêng người làng Quỳnh rủ nhau lên tận Quế Phong, Quỳ Châu... mua lùng, mua nứa về đem ngâm trong bể chứa khoảng từ hai đến ba tháng rồi vớt ra phơi khô. Sau đó nứa, lùng sẽ được chẻ ra thành những que nhỏ đều, vuông vức. Để có được trầm thành phẩm cháy đều, người làng Quỳnh đem phơi chu hương giữa tiết trời nắng nam, tránh để gặp nước mưa. Bởi chu hương ải thì trầm dễ cháy nhưng sẽ không còn giữ được mùi thơm tự nhiên của cây cỏ.
Chị Cù Thị Hường (thôn 4, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang tranh thủ vấn những que trầm cuối cùng của năm phục vụ thị trường Tết nguyên đán
Chu hương phơi phóng kỹ càng, được đem nhuộm phẩm chân bằng hai màu cơ bản hoặc là đỏ hoặc là hồng cánh sen, tuy nhiên người làng Quỳnh vẫn chuộng chu hương màu cánh sen. Nhuộm xong, họ tiếp tục phơi lại que ấy rất nhiều nắng nữa. Khi đó việc chuẩn bị chu hương – công đoạn rất quan trọng của việc làm trầm đã hoàn tất.Khoảng độ tháng 4, người làng Quỳnh lặn lội ra các làng nghề ở miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... tìm mua giấy bản. Đấy là loại giấy được sản xuất bằng phương pháp thủ công, rất mịn và không bị khét khi cháy như các loại giấy thông thường. Khi đã có được giấy bản, người làm trầm sẽ tỉ mẩn cắt giấy ra thành từng khuông, nhuộm mép hồng cánh sen, sau phơi khô rồi cất kín.
Độ tháng 7, tháng 8 là thời điểm người làng Quỳnh cất công đi tìm rễ hương lâu. Đây là nguyên liệu chủ yếu để làm trầm, rất sẵn có ở vùng đất núi Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu). Tiếp đến là cây mía, nói chung các loại mía người ta đều có thể dùng làm nguyên liệu chế trầm, nhưng chất lượng đỉnh nhất vẫn là loại mía tím Thanh Hóa. Với cây mía ấy, người làng Quỳnh cẩn thận dùng khăn ướt để lau sạch vỏ rồi mới dùng máy cắt ra từng lát mỏng. Cũng như rễ hương lâu, mía lát sau đó được phơi thật khô rồi đem đập bột. Bột mía và bột hương lâu người ta lại phải đem phơi rất nhiều lần nữa. Người làng Quỳnh làm trầm, tất cả mọi thứ đều phải tinh sạch, từ cái sân phơi, cái cào, cái trang dùa bột cũng phải cho thật sạch.Thậm chí họ còn phải rửa tay sạch sẽ trước khi đụng vào bất cứ cái gì liên quan đến trầm vì đó là sản phẩm tâm linh.
Trầm làng Quỳnh còn là sự kết tinh của nhiều vị thảo dược quý như: hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, rễ tế tân, sinh địa, thục địa... Quyết định nên giá trị của trầm thành phẩm chính là ở tỷ lệ pha chế các vị thảo dược này.
Để làm nên bột trầm người làng Quỳnh phải dùng đến cả mười đầu ngón tay phối trộn thật đều tất cả những thứ bột ấy lại với nhau, rồi gói ghém cất đặt cẩn thận để lưu giữ mùi hương. Mỗi gia đình làm trầm ở làng Quỳnh sở hữu một bí quyết pha chế riêng, chính vì vậy mỗi loại trầm ở đây có một mùi hương đặc trưng.
Tháng 9 âm lịch là thời điểm bước vào mùa làm trầm. Lúc này người ta chỉ việc rải một lớp bột trầm chạy dọc khuông giấy đã cắt sẵn, rồi bắt đầu vấn sao cho dải giấy trắng mỏng thật kín mép, tạo thành một lớp vỏ cố định bột trầm ôm lấy thân chu hương. Cuối cùng trầm được đóng thành búp, mỗi búp nhỏ mười que, mỗi búp lớn gồm 10 búp nhỏ... Rồi sau đó, trầm theo bước chân ngược xuôi của những người con làng Quỳnh xa xứ đi về mọi ngả đường.
Đã từ nhiều năm nay vào mỗi dịp tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên của rất nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu, ở Vinh, ở tận Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu... không thể thiếu được trầm làng Quỳnh. Trầm Quỳnh thắp lên, nhả vào hư không những sợi khói mỏng manh, dìu dịu như một sợi dây kết nối giữa người với người, giữa quá khứ và hiện tại. Trầm ấy người ta còn mang biếu nhau, cùng nhau ngồi lại thưởng trầm trong cái lạnh se se ở những chốn bình yên, trầm mặc như một món ăn tinh thần, một thú chơi thanh tao nho nhã. Có lẽ đó là một điều độc đáo hiếm thấy ở một sản phẩm giàu giá trị tâm linh như trầm làng Quỳnh.
Dẫu rằng, trong cơ chế thị trường người làng Quỳnh có những tháng ngày chênh chao vì thời cuộc. Nhưng những người tâm huyết với nghiệp làm trầm ở đây vẫn âm thầm, lặng lẽ chắt chiu từng giọt tinh túy của đất trời, cây cỏ để lưu giữ hồn trầm. Họ làm trầm như chính là để dâng lên gia tiên của mình, để cái tâm thành kính hướng về nguồn cội được thanh thản và trọn vẹn!
Độ tháng 7, tháng 8 là thời điểm người làng Quỳnh cất công đi tìm rễ hương lâu. Đây là nguyên liệu chủ yếu để làm trầm, rất sẵn có ở vùng đất núi Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu). Tiếp đến là cây mía, nói chung các loại mía người ta đều có thể dùng làm nguyên liệu chế trầm, nhưng chất lượng đỉnh nhất vẫn là loại mía tím Thanh Hóa. Với cây mía ấy, người làng Quỳnh cẩn thận dùng khăn ướt để lau sạch vỏ rồi mới dùng máy cắt ra từng lát mỏng. Cũng như rễ hương lâu, mía lát sau đó được phơi thật khô rồi đem đập bột. Bột mía và bột hương lâu người ta lại phải đem phơi rất nhiều lần nữa. Người làng Quỳnh làm trầm, tất cả mọi thứ đều phải tinh sạch, từ cái sân phơi, cái cào, cái trang dùa bột cũng phải cho thật sạch.Thậm chí họ còn phải rửa tay sạch sẽ trước khi đụng vào bất cứ cái gì liên quan đến trầm vì đó là sản phẩm tâm linh.
Trầm làng Quỳnh còn là sự kết tinh của nhiều vị thảo dược quý như: hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, rễ tế tân, sinh địa, thục địa... Quyết định nên giá trị của trầm thành phẩm chính là ở tỷ lệ pha chế các vị thảo dược này.
Để làm nên bột trầm người làng Quỳnh phải dùng đến cả mười đầu ngón tay phối trộn thật đều tất cả những thứ bột ấy lại với nhau, rồi gói ghém cất đặt cẩn thận để lưu giữ mùi hương. Mỗi gia đình làm trầm ở làng Quỳnh sở hữu một bí quyết pha chế riêng, chính vì vậy mỗi loại trầm ở đây có một mùi hương đặc trưng.
Tháng 9 âm lịch là thời điểm bước vào mùa làm trầm. Lúc này người ta chỉ việc rải một lớp bột trầm chạy dọc khuông giấy đã cắt sẵn, rồi bắt đầu vấn sao cho dải giấy trắng mỏng thật kín mép, tạo thành một lớp vỏ cố định bột trầm ôm lấy thân chu hương. Cuối cùng trầm được đóng thành búp, mỗi búp nhỏ mười que, mỗi búp lớn gồm 10 búp nhỏ... Rồi sau đó, trầm theo bước chân ngược xuôi của những người con làng Quỳnh xa xứ đi về mọi ngả đường.
Đã từ nhiều năm nay vào mỗi dịp tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên của rất nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu, ở Vinh, ở tận Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu... không thể thiếu được trầm làng Quỳnh. Trầm Quỳnh thắp lên, nhả vào hư không những sợi khói mỏng manh, dìu dịu như một sợi dây kết nối giữa người với người, giữa quá khứ và hiện tại. Trầm ấy người ta còn mang biếu nhau, cùng nhau ngồi lại thưởng trầm trong cái lạnh se se ở những chốn bình yên, trầm mặc như một món ăn tinh thần, một thú chơi thanh tao nho nhã. Có lẽ đó là một điều độc đáo hiếm thấy ở một sản phẩm giàu giá trị tâm linh như trầm làng Quỳnh.
Dẫu rằng, trong cơ chế thị trường người làng Quỳnh có những tháng ngày chênh chao vì thời cuộc. Nhưng những người tâm huyết với nghiệp làm trầm ở đây vẫn âm thầm, lặng lẽ chắt chiu từng giọt tinh túy của đất trời, cây cỏ để lưu giữ hồn trầm. Họ làm trầm như chính là để dâng lên gia tiên của mình, để cái tâm thành kính hướng về nguồn cội được thanh thản và trọn vẹn!
Xuyến Chi – Khánh Hồng