World Cup 2022: Những điều cấm kỵ tại Qatar, người hâm mộ bóng đá nên biết?
(Dân trí) - Khi đến Qatar, du khách sẽ buộc phải áp dụng một số điều cấm chưa từng có đối với một kỳ World Cup, bất chấp những lời hứa ban đầu từ ban tổ chức.
Dự kiến, có khoảng 1,2 triệu du khách đến quốc gia Hồi giáo này và họ phải tuân theo một số điều cấm chưa từng có đối với một kỳ World Cup, từ phong tục, vấn đề rượu bia hay thời trang.
Hạn chế đồ uống có cồn
Vài tháng trước, Tổng Giám đốc tổ chức sự kiện Qatar, Naser AI-Khater đã lên án "những ý tưởng sai lầm" về việc uống rượu và đảm bảo rằng người hâm mộ có quyền được sử dụng chất kích thích này giống như bất kỳ giải World Cup nào khác.
Tuy nhiên, việc phân phối đồ uống này sẽ bị hạn chế một cách chưa từng có trong 4 tuần diễn ra giải bóng đá này.
Cụ thể, việc bán rượu bia (từ nhà tài trợ chính thức của World Cup) ban đầu được lên kế hoạch cho phép tại các quầy hàng mở gần sân vận động, từ 3 giờ trước khi một trận đấu bắt đầu và 1 giờ sau tiếng còi kết thúc.
Song, thứ Sáu ngày 18/11 vừa qua, chính quyền Qatar và FIFA đã quyết định loại bỏ các cửa hàng bia khỏi khu vực gần sân vận động, đồng thời "tập trung bán đồ uống có cồn" trong khu vực người hâm mộ và các cơ sở được ủy quyền.
Sự đảo ngược này phủ bóng đen lên những cam kết trước đây của Tiểu Vương quốc Hồi giáo này.
Đáng chú ý, trong khu vực người hâm mộ ở tại thủ đô Doha, Qatar, rượu vẫn có thể sử dụng, nhưng chỉ từ 6:30 chiều, trong khi các trận đấu đầu tiên sẽ bắt đầu lúc 1 giờ chiều theo giờ địa phương.
Khách du lịch và những cổ động viên sẽ chỉ có thể mua rượu trong khách sạn và quán bar có giấy phép.
Quyền LGBT được tôn trọng đặc biệt
Ngoài World Cup, Qatar là một đất nước không chấp nhận cộng đồng người LGBT (gồm đồng tính, gay, song tính, chuyển giới) và trừng phạt quan hệ tình dục giữa những người trưởng thành cùng giới, cũng như những người ngoài hôn nhân, có thể bị phạt vài năm tù giam.
Tiểu vương Tamim Ben Hamad Al Thani cho biết vào ngày 21/9: "Trong World Cup, nước chủ nhà hứa sẽ chào đón tất cả, bao gồm cả những người đồng tính, không phân biệt đối xử".
Theo đó, những cặp đôi chưa kết hôn thuộc các giới tính hoặc cặp vợ chồng khác nhau (bao gồm cả LGBTQ +) vẫn có thể ở trong cùng một phòng mà không vi phạm luật pháp quốc gia này. Và cờ cầu vồng (biểu tượng của LGBT) có thể được triển khai trong suốt World Cup.
Tháng 4 năm ngoái, nhân viên an ninh giải đấu, Abdulaziz Abdullah Al-Ansari, đã cảnh báo rằng những lá cờ cầu vồng có thể bị tịch thu.
"Nếu bạn muốn bày tỏ quan điểm của mình về cộng đồng LGBT, hãy làm như vậy trong một xã hội nơi nó sẽ được chấp nhận", Abdulaziz Abdullah Al-Ansari cho biết.
Gần đây hơn, Đại sứ World Cup 2022, Khalid Salman đã gọi đồng tính luyến ái là "Tổn thương tinh thần. Điều quan trọng nhất là mọi người sẽ chấp nhận rằng họ đến đây, nhưng họ sẽ phải tôn trọng các quy tắc của chúng tôi".
Trên trang web của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại nước này cảnh báo: "Quyền riêng tư ở Qatar được tôn trọng rộng rãi, bất kỳ sự thân mật nào giữa những người ở nơi công cộng đều có thể bị coi là xúc phạm, bất kể giới tính, khuynh hướng tình dục".
Thời trang và hành vi phản cảm
Trên trang web của Chính phủ Qatar về du lịch quy định rõ ràng hơn về các hành vi có thể bị trừng phạt.
"Ở Qatar cũng như ở tất cả các nước Trung Đông, việc công khai thể hiện tình cảm và sự thân mật ở nơi công cộng gây khó chịu cho nước chủ nhà", trang web viết.
Theo đó, du khách không nên mặc trang phục quá hở hang; mà nên chọn trang phục che vai và đầu gối, đối với cả nam và nữ.
Một lệnh cấm khác chính là việc chụp ảnh mọi người mà không có sự cho phép của họ, cũng như các công trình do Chính phủ, quân đội xây dựng hay việc vứt rác và khạc nhổ trên mặt đất cũng bị cấm.
Trong một hướng dẫn dành riêng người hâm mộ, Đại sứ quán Pháp tại Qatar cho biết: "Hãy nhớ rằng sự khác biệt về văn hóa có thể dẫn đến việc hiểu sai một số hành vi nhất định".
Ngoài việc cấm sử dụng và vận chuyển rượu, ma túy thì việc mang tài liệu; tạp chí khiêu dâm hay sử dụng thịt lợn cũng vi phạm pháp luật.
Những người vi phạm các lệnh cấm này sẽ có nguy cơ bị phạt tiền, trục xuất khỏi Qatar, hoặc thậm chí đối mặt với án tù dài.
Vì thế, một số quốc gia, bao gồm Pháp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng an ninh của riêng họ đến Qatar.
Theo đó, có khoảng hơn 200 cảnh sát và hiến binh Pháp sẽ có mặt tại Qatar. Về phía Anh, khoảng 15 sĩ quan liên lạc sẽ giám sát người hâm mộ Anh.
"Chúng tôi sẽ ở đó để nhắc người dân của đất nước mình là bạn đang bắt đầu thu hút sự chú ý, hãy bình tĩnh lại một chút vì chúng tôi không muốn bạn phải đối mặt với một cảnh sát địa phương đâu", Mark Roberts, Cảnh sát trưởng Cheshire cho biết.