Việt Nam thuộc Top 10 nước Nhật Bản hạ cảnh báo du lịch
(Dân trí) - Theo kế hoạch dỡ bỏ dần cảnh báo du lịch quốc tế, Nhật Bản ưu tiên cho 10 quốc gia và khu vực có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp. Đứng đầu danh sách này là Austalia, New Zealand và Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 1/10 Tokyo chấp nhận nhập cảnh với những người nước ngoài có giấy phép cư trú tại Nhật Bản trên 3 tháng. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản hạ thấp bớt cảnh báo du lịch trong bối cảnh đại dịch.
Kế hoạch này được cho là nhằm thúc đẩy việc dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đang được thực thi tại nhiều quốc gia khác. Còn từ chiều ngược lại, việc có chấp nhận du khách đến từ Nhật Bản hay không, quyết định cuối cùng tuỳ thuộc vào chính phủ các nước đó.
Trước đó Nhật Bản đã đưa ra khuyến cáo du lịch liên quan tới Covid-19 và cảnh báo về các bệnh truyền nhiễm, thông qua một hệ thống phân chia thành 4 cấp độ tuỳ thuộc vào nguy cơ tiềm ẩn và mức độ an toàn tại những nơi liên quan.
Tuy nhiên, các cảnh báo này không mang tính ràng buộc pháp lý với công dân Nhật Bản đi du lịch, mà tuỳ thuộc vào quốc gia điểm đến chấp nhận hay từ chối họ nhập cảnh.
Tính tới cuối tháng 9, Tokyo đã đặt 159 quốc gia và khu vực, vùng lãnh thổ bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, ở cấp độ 3. Tức là kêu gọi công dân Nhật Bản tránh đi du lịch tới những nơi đó vì bất kỳ lý do gì.
Nhưng bắt đầu từ ngày 1/10 Nhật Bản hạ mức cảnh báo xuống cấp độ 2 với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp so với tổng dân số (con số trong 2 tuần trước đó) - chỉ khuyến cáo người dân tránh các chuyến đi “không thiết yếu”.
Australia, New Zealand, Việt Nam, Brunei và Bỉ sẽ có tên trong danh sách này, nhưng khi trở về Nhật Bản các du khách vẫn phải tuân thủ quy định cách ly 2 tuần - theo tin từ báo Nikkei Asia.
Nhật Bản cũng đang xúc tiến đàm phán với 16 quốc gia và khu vực khác bao gồm cả Việt Nam, Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) để nối lại các chuyến đi vì mục đích công việc, kinh doanh. Động thái nới lỏng cảnh báo du lịch của Tokyo được cho là có thể hỗ trợ sớm đạt được thoả thuận trong các cuộc đàm phán này.