Viên ngọc xanh Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ cách biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị gần 30 km. Được ví là “viên ngọc xanh” nằm ngoài khơi biển Đông bởi Cồn Cỏ là có tới 73% độ bao phủ của rừng. Không khí ở đây trong vắt, cùng với đó là những bãi biển hoang sơ trải dài...

Một góc Cồn Cỏ.
Một góc Cồn Cỏ.

Tiềm năng giàu có

Nếu là một người ưa phiêu lưu, mạo hiểm thì Cồn Cỏ chắc chắn là điểm cực đến kì phù hợp với bạn. Thời gian lý tưởng để đến Cồn Cỏ từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. Thời điểm này sóng lặng, biển êm và nắng đẹp thích hợp cho kế hoạch du ngoạn trên đảo.

Trong chiến tranh, Cồn Cỏ được mệnh danh là “chiến hạm không bao giờ chìm” giữa biển Đông sóng gió. Hòn đảo này cho tới nay vẫn in đậm dấu ấn lịch sử với hệ thống địa đạo chằng chịt, những đồn cũ của quân dân ta, đài tưởng niệm, nhà trưng bày kỷ vật thời chiến... Một điều đáng ngạc nhiên, dù trải qua bom đạn chiến tranh, Cồn Cỏ vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng nguyên sinh, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển đảo. Các bãi đá ở Cồn Cỏ là góc nhìn thú vị với ai yêu thích chụp ảnh, nhờ vẻ đẹp rất độc đáo của vô số những viên đá tròn nhẵn bóng như ngọc trai đen khổng lồ, đối lập với bãi cát trắng mịn màng ngay bên cạnh.

Ngắm san hô đen.
Ngắm san hô đen.

Lãm, chàng trai có nước da sạm nắng, chất giọng miền Trung đặc sệt đã khiến cho chuyến đi của chúng tôi thêm phần thú vị. Chính anh đã gợi ý cho chúng tôi dựng lều bạt trên bãi Sông Hương, để nằm nghe biển hát, gió biển mơn man trên da thịt. Nhờ anh mà chúng tôi đã có bữa tiệc hải sản với các món bản địa như: ốc nón, ốc thổ, cua đồi... có lẽ đây là một trải nghiệm đặc biệt với những người ưa xê dịch.

Lãm là một trong những người Quảng Trị từ đất liền tình nguyện ra đảo sống cách đây cả hơn chục năm. Anh chia sẻ: Cồn Cỏ là huyện đảo trẻ nhất trong hệ thống huyện đảo của Việt Nam. Được thành lập từ năm 2004, đến nay đảo có khoảng 400 dân sinh sống, nhưng hai hạn chế lớn nhất của đảo Cồn Cỏ vẫn là thiếu điện và nước ngọt.

Bàng vuông trên đảo.

Theo anh Lãm, việc lọc nước biển thành nước ngọt đã có công nghệ nhưng quan trọng là phải có nguồn điện mạnh và ổn định. Năm 2009 huyện đảo đã đầu tư xây dựng 1 trạm cấp điện tập trung bằng động cơ diesel, duy trì cấp điện từ 8h lên 15h mỗi ngày. Do phát bằng động cơ diezel nên giá thành rất cao, mỗi năm tỉnh và huyện phải bù lỗ hơn cả tỉ đồng.

Các chuyên gia nước ngoài đã đến Cồn Cỏ khảo sát và lập dự án cung ứng điện bằng phương án “3 trong 1” (Năng lượng gió, mặt trời và diesel). Nhưng đến nay điện mặt trời vẫn chỉ được phát cách nhật.

Khó khăn là vậy, nhưng anh Lãm tự hào: Cồn Cỏ nằm trong ngư trường Con Hổ, rộng tới 9000 km2, có trữ lượng khai thác khá lớn, không chỉ thuận lợi cho việc khai thác đánh bắt, mà còn mở ra khả năng nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Rừng Cồn Cỏ có độ che phủ chiếm tới 73%; Biển quanh đảo với hệ sinh thái san hô và sinh vật biển đa dạng.

Ngoài ra còn có 267 loài cá thuộc 69 họ phân tầng theo thích nghi điều kiện sinh thái. Trong đó có nhóm cá san hô, sống tập đoàn, màu sắc rực rỡ, ít di chuyển khỏi hệ sinh thái vừa có giá trị kinh tế, vừa mang ý nghĩa trong hoạt động du lịch, nghiên cứu và thám hiểm biển...

Đường dẫn vào rừng nguyên sinh.

Trekking rừng nguyên sinh, lặn biển ngắm san hô...

Các điểm tham quan nổi bật và hấp dẫn du khách ở Cồn Cỏ gồm: hải đăng Cồn Cỏ, bãi Tranh, bãi Sông Hương, bến Ông Nghè, Mõm Hổ, hồ Củ Lạc, nghĩa trang huyện hoặc một số đồn cũ của quân dân ta thời chiến. Bãi tắm Sông Hương trải dài mềm mại... Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả phải kể tới hai hoạt động lặn biển ngắm san hô đen và trekking - một hình thức du lịch mạo hiểm đi bộ khám phá rừng nguyên sinh.

Anh Lãm dẫn một nhóm khách Tây cùng chúng tôi một ngày trời lặn lội trong cánh rừng nguyên sinh Cồn Cỏ. Thảm thực vật ở đây vô cùng phong phú với sự góp mặt của nhiều loại như mù u, đa, vông nem, keo lông chim, hoạt hương, sếu, mã rạng, vọng cách. Tầng thấp có ráy Ấn Độ và dứa dại…

Rùa biển ở Cồn Cỏ.

Có những trái cây cong queo kỳ quái không thấy ở đất liền và cả những loài cây dù đã có tên nhưng nếu không ra đảo bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy. Đó là cây bàng quả vuông, là những cây nho biển cổ thụ, lạ lẫm như trong cổ tích. Và cuối cùng là những cây phong ba mà ngay tên gọi đã gợi lên sức sống kiên cường. Mùa này, hoa phong ba bắt đầu khoe sắc trắng trên những cung đường dọc bờ biển.

Hết khám phá rừng sâu, Cồn Cỏ lại hấp dẫn bởi hoạt động lặn biển ngắm san hô. Mà đặc biệt là loại san hô đen. San hô ở đây nằm dưới độ sâu 4m và có nhiều ở bờ Đông Nam của đảo. Do dịch vụ du lịch và lặn biển chưa phát triển nên bạn phải chuẩn bị “đồ nghề” mang theo trước chuyến đi nếu muốn ngắm nhìn những những rạn san hô tuyệt đẹp. San hô đen ngày nay không còn xuất hiện nhiều như trước và thường nằm sâu ở độ sâu dưới 10m. Do vậy, phải có kỹ năng lặn tốt và kèm một chút may mắn, bạn mới có thể chiêm ngưỡng được báu vật của Cồn Cỏ.

Từ Đông Hà, Quảng Trị bạn có thể đi xe ôm, taxi hoặc open bus để ra biển cửa Tùng đón tàu ra Cồn Cỏ. Một kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Cồn Cỏ giá rẻ và an toàn khi đi xe ở Đông Hà là bạn phải thỏa thuận giá trước trước, nếu đi taxi thì phải yêu cầu có đồng hồ tính tiền và kiểm tra xem cái đồng hồ đó có chạy không. Giá xe ôm từ Đông Hà ra cửa Tùng là khoảng 140.000đồng, còn taxi là 300.000đồng..

Tour du lịch đảo Cồn Cỏ vừa được tỉnh Quảng Trị công bố ngày 21/4 có thời gian 2 ngày 1 đêm với giá 2 triệu đồng/khách. Riêng người dân tỉnh Quảng Trị được hưởng mức giá ưu đãi 1,5 triệu đồng/khách. Trong trường hợp du khách muốn ra đảo Cồn Cỏ vào ngày không có tàu hoạt động, có thể chọn cách ra biển cửa Tùng thuê tàu đánh cá của người dân để chủ động đi-về. Nếu đi đoàn nhỏ, khoảng 10 người trở xuống thì khoảng 3.000.000 đồng/chuyến khứ hồi. Còn nếu đi đông thì khoảng 6.000.000 đồng/chuyến khứ hồi.

Theo Hồng Đậu Đại Đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm