Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

(Dân trí) - Chuyện Hội An bán vé tham quan không mới (từ năm 1995 đã bán vé), giá vé cũng không hề rục rịch từ 2012. Thế nhưng mấy ngày gần đây, dư luận lại “dậy sóng” chủ đề bán vé tham quan phố cổ Hội An. Vì sao?


Để đi tìm câu trả lời phần nào thỏa đáng, PV Dân trí đã đi thực tế cũng như thu thập thông tin, ý kiến của đại diện chính quyền, người dân địa phương và du khách xung quanh chuyện Hội An bán vé tham quan.

Hội An bán vé tham quan phố cổ như thế nào? Từ năm 1995, thị xã Hội An lúc bấy giờ đã thực hiện phương án bán vé tham quan trọn gói quần thể Đô thị cổ Hội An cho du khách. Tất cả du khách, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, khi đến tham quan Hội An đều phải mua vé trọn gói. Trên vé cũng ghi rõ những điểm di tích nổi bật trong khu phố cổ để du khách chọn tham quan.

Từ năm 2012, Hội An có điều chỉnh tăng giá vé. Cụ thể khách nước ngoài 6USD/người để tham quan khu phố cổ và có thể chọn 6 điểm trong danh mục các di tích nổi bật; khách trong nước 80.000 đồng/người với số điểm tham quan được chọn ít hơn. Mức giá vé khác nhau từ chỗ thực tế khách trong nước ít có nhu cầu ghé các điểm di tích hơn. Đồng thời, đảm bảo giá mỗi điểm tham quan trong vé là 20.000 đồng (đã bao gồm trong vé). Giá vé này từ hai năm nay không hề rục rịch.

Đã có du khách phàn nàn vì sao phải mua vé trọn gói, khi họ chỉ có nhu cầu tham quan một vài điểm, hoặc chỉ loanh quanh trong phố cổ mua sắm, ăn uống. Nhưng khi được giải thích một cách hợp lý, du khách ủng hộ.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, người khởi xướng việc bán vé tham quan ở phố cổ chia sẻ với báo chí: “75% tiền thu từ vé được tập trung trùng tu, sửa chữa không chỉ cho di tích mà còn cho toàn bộ nhà trong phố cổ, kể cả những nhà không phải điểm tham quan”. Đưa ra một con số thống kê cụ thể, đến năm 2012, Hội An tổng thu hơn 280 tỷ đồng từ tiền bán vé, thì có hơn 210 tỷ đồng nộp vào quỹ bảo tồn - trùng tu di tích. Phần còn lại chi cho nhân sự, kinh phí hoạt động…

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?
Để cùng người dân và chính quyền địa phương bảo tồn di sản Hội An, cần nguồn thu từ việc phát hành vé cho du khách - những người thụ hưởng di sản là tất yếu

Trò chuyện với PV Dân trí trên đường Lê Lợi (Hội An) ngày 24/4, một du khách người Pháp đang cùng bạn gái đi du lịch ở Hội An cho biết: Anh không có vé tham quan Hội An, cũng không biết về quy định phải mua vé, và cũng không thấy ai kiểm tra vé. Chúng tôi đặt câu hỏi, “Giả sử bây giờ anh buộc phải mua vé, vì đây là quy định để địa phương có nguồn thu để bảo tồn di sản, anh có đồng ý không?”. Du khách này nói: “Tất nhiên rồi!”.

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?
Thực tế Hội An những ngày gần đây vẫn tấp nập du khách. Không có cảnh Hội An vắng tanh như chùa Bà Đanh vì bị du khách tẩy chay như một số thông tin mạng

Chúng tôi cũng đồng ý với ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An: “Đã chơi thì phải tốn tiền”. Không chỉ tập trung bảo tồn di tích. Mà Hội An phải nói đã dày công để di sản ngày càng hấp dẫn, từ chỗ tổ chức thành công phố không có tiếng động cơ. Đi trên đường phố Hội An, nghe âm nhạc du dương khắp các ngã đường; đây có có biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức trò chơi dân gian, xem những người ăn vận đúng kiểu người xưa đánh cờ tướng, mua bán … Chưa nói nghĩa vụ góp phần bảo tồn di sản khi thụ hưởng, đi dạo chơi, mua sắm, ăn uống trong không gian phố xưa nhà cổ đó, bỏ tiền ra có đáng không? Phải biết cái không khí lãng mạn đó không phải tự nhiên mà có. Để phục vụ du khách, thu được vé của du khách, Hội An đã phải chi sòng phẳng.

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?

Vì sao dư luận “dậy sóng” vụ Hội An bán vé tham quan?
Không gian đặc biệt ở phố cổ Hội An với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như phố đêm có đáng đồng tiền du khách bỏ ra để thụ hưởng?

Chuyện Hội An bán vé tham quan không mới (từ năm 1995 đã bán vé), giá vé cũng không hề thay đổi từ hai năm nay (từ 2012). Thế nhưng mấy ngày gần đây, dư luận lại “dậy sóng” chủ đề bán vé tham quan phố cổ Hội An. Vì sao?

Do gần đây Hội An tăng cường kiểm soát để chống thất thu từ nguồn bán vé. Việc tăng cường này chủ yếu quản lý chặt tránh tình trạng khách du lịch “chui”. Năm 2013, Hội An đón hơn 2 triệu lượt khách, nhưng chỉ có chưa tới 50% số đó có mua vé tham quan phố cổ. Cũng có thực tế một số đơn vị lữ hành làm ăn không tử tế, bán tour đã thu tiền vé tham quan của khách, nhưng lại không mua vé cho khách, lại giỏi lách đưa khách đi tham quan khơi khơi vòng ngoài. Khách mất quyền lợi, Hội An thất thu. Thêm vào đó, cũng có trường hợp hợp khách đi lẻ, đi tự do cũng chưa được hướng dẫn về việc phải mua vé, không biết quy định này mà lực lượng kiểm soát vé lâu nay chủ yếu tập trung vào khách đoàn, cũng gây thất thu một phần nguồn thu từ bán vé.

Khi triển khai tăng cường kiểm soát để chống thất thu từ nguồn bán vé, lại có hiện tượng nhân viên bán vé, kiểm soát vé chưa giải thích thấu tình đạt lý cho du khách; thậm chí có thái độ thiếu chừng mực gây căng thẳng cho du khách. Nhiều trường hợp kiểm soát vé còn cứng nhắc. Khách vào buổi sáng, buổi chiều quay lại quên mang vé, nhưng kiểm soát viên một hai đòi khách phải có vé trên tay mới được vào. Khách không hiểu, sinh ra phản ứng vì hiểu lầm cứ mỗi lần ra vô là phải mua vé.

Chị Nhi, chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú ở phường Cẩm Nam, TP Hội An cho biết: “Nhiều du khách phản ứng không phải vì phải trả tiền mua vé. Mà vì họ không biết quy định mua vé tham quan phố cổ. Và khi bị kiểm soát thì họ hiểu những người kiểm soát xem như họ là những khách du lịch trốn vé chứ không hiểu đúng là vì họ không biết nên không mua vé”.

Chỉ từ một vài hiện tượng phản ứng do hiểu lầm đưa lên một diễn đàn về du lịch, lập tức “dậy sóng” dư luận và kéo theo những lời đồn thổi từ nhiều thông tin sai sự thật. Một số thông tin khẳng định “Hội An vắng tanh như chùa bà Đanh vì bị du khách tẩy chay”, cùng những hình ảnh Hội An vắng bóng người.

Còn những người đang sống, đang có mặt ở Hội An thì phản ứng thông tin Hội An vắng tanh như chùa Bà Đanh. Ông Đỗ Tử Thắng, chủ tiệm  hàng lưu niệm trên đường Lê Lợi (P. Minh An, Hội An) khẳng định: “Mấy ngày nay, khách vẫn đổ về Hội An nườm nượp. Mà lạ, mấy năm ở thời điểm ni, khách đã vắng dần do hết cao điểm du khách nước ngoài đến Hội An trong năm. Rứa mà năm ni khách vẫn còn tấp nập. Việc bán buôn vẫn “chạy” đều. Ai nói Hội An vắng tanh như chùa Bà Đanh bậy quá! Trong ngày chỉ có giữa trưa nắng nôi quá là ít người; chứ đặc biệt chiều tối, khách đi nườm nượp”.

Hiện tượng kiểm soát viên có thái độ chưa chừng mực, mất lòng du khách, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết ngay khi có phản ánh của du khách, ngành chức năng đã chấn chỉnh ngay. Theo quan sát của PV, trong hai ngày 23 và 24/4 ở phố cổ, không có trường hợp cự cãi nào giữa người bán vé, kiểm soát vé và du khách.

Để thông tin đầy đủ, rõ ràng từ phía chính quyền TP, cũng như rộng đường dư luận hơn và có những giải pháp được sự đồng thuận của người dân và du khách hơn, Hội An đã có thông báo chính thức về việc tổ chức họp báo xung quanh việc bán vé tham quan phố cổ Hội An vào sáng 26/4 tại Quảng trường Sông Hoài.
 
 

Ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về phương thức phát hành vé tham quan phố cổ Hội An, nhiều ý của người dân và tiểu thương trong khu phố cổ có cùng ý kiến cho rằng khách nước ngoài hầu như không “la làng” giá vé quá cao; nhưng đối với khách trong nước thì giá 80.000 đồng là khá cao. Trong khi, nhiều người chỉ có nhu cầu đi dạo quanh phố cổ mà không ghé các điểm di tích, vì họ đã đi và biết từ những lần trước rồi. Trở lại Hội An nhiều lần vì họ thích không khí, không gian ở phố cổ. Nên chăng có vé với giá phù hợp hơn dành riêng cho du khách chỉ đi dạo trong phố; thay vì để du khách phải trả giá vé trọn gói (khá cao so với thu nhập bình dân), trong khi họ không đi hết số điểm di tích được chọn khi mua vé trọn gói. Đồng thời, thiết kế vé tham quan phố cổ cần có những thông tin đầy đủ. Vé cần được làm bằng chất liệu bền hơn; cũng như lưu ý du khách cần giữ lại vé để có thể ra vào phố cổ cho cả chuyến lưu trú tại phố cổ Hội An. Ngoài ra, phải có giải pháp để phân biệt du khách (phải mua vé) với người dân, và khách đến Hội An vì những lý do đặc biệt chứ không phải đi chơi (không phải có vé) một cách linh hoạt, tế nhị. 

Khánh Hiền