Vì sao du lịch Phú Yên chưa phát triển?
(Dân trí) - Ngày 30/3, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Phú Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Phú Yên-“Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.
Phú Yên được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, nổi bật nhất là bờ biển dài hơn 100km, với cát trắng, biển xanh và những hòn đảo nhấp nhô sát biển, tạo nên phong cảnh hữu tình. Đặc biệt, nơi đây sở hữu hơn 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia như Bãi Môn – Mũi Điện, Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan… Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế và ưu đãi về thắng cảnh thiên nhiên nhưng du lịch của Phú Yên chưa thực sự “cất cánh”, lượng khách đến hàng năm vẫn ở mức khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, Phú Yên là một trong số ít những đơn vị có tài nguyên đẹp và khác biệt. Trong đó nổi bật với 3 dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, văn hóa – lịch sử và du lịch sinh thái. Đặc biệt, sau hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, so với các tỉnh Nam Trung Bộ, Bình Định, Khánh Hòa thì du lịch Phú Yên kém phát triển, lượng khách đến không tương xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân là do sản phẩm đơn điệu, nhàm chán và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển du lịch. “Phú Yên có quá nhiều lợi thế về thiên nhiên nhưng sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn mà chưa có sự đầu tư của con người. Hiện nay chúng ta có hơn 20.000 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, thế nhưng ở Phú Yên chỉ có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Hay như số lượng cơ sở lưu trú ở Phú Yên cũng rất hạn chế, ít chỉ có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao… Chính những điểm nghẽn này khiến cho du lịch Phú Yên chưa thể cất cánh”, ông Chung khẳng định.
Thừa nhận thực tế này, bà Trần Thị Thanh Tâm, đại diện Vietrantour trăn trở, nhiều lần dẫn khách đến Phú Yên nhưng đều nhận phản hồi chưa tốt khi dịch vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nhàm chán. Chính vì thế, dù có cảnh đẹp hấp dẫn nhưng hiện nay Phú Yên vẫn chưa phải là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa. “Phú Yên có bãi biển đẹp nhưng lại chưa có bãi tắm riêng, vì thế nhiều khi du khách phải tự bắt taxi để di chuyển ra bãi biển, rất bất cập. Hay tại các danh lam thắng cảnh, cũng chưa có các dịch vụ đi kèm để du khách trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp. Quy Nhơn ngay gần Phú Yên nhưng họ có sự đầu tư bài bản, chất lượng dịch vụ của họ cũng tốt hơn hẳn, dù nếu so tương quan về cảnh đẹp thì chưa chắc đã bằng được Phú Yên”, bà Tâm nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng họ gặp khó khăn khi đưa khách du lịch ở Phú Yên bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, ngoài ra tần suất các chuyến bay ít cũng là một rào cản rất lớn.
Trong tương lai, để du lịch Phú Yên cất cánh và trở thành một điểm sáng của cả nước, theo ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phú Yên cần phải có sự đầu tư về chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, phải xác định lấy dòng du lịch biển đảo và du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển: “Phú Yên chậm phát triển hơn các tỉnh nhưng có lợi thế là người đi sau, nên tài nguyên thiên nhiên vẫn còn hoang sơ có điều kiện để phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Về lâu dài, phải xác định đối tượng chính là Đông Âu, Bắc Mỹ… Trong đó, giải pháp là phải quy hoạch chi tiết, có chính sách đặc thù để “săn đuổi” các nhà đầu tư”, ông Chung nhấn mạnh.
Được biết, năm 2017, Phú Yên đón trên 1,4 triệu lượt khách du lịch, đạt 117% so với kế hoạch. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú trên 1 triệu lượt, tổng doanh thu trong hoạt động du lịch khoảng 1.245 tỉ đồng. Bước sang 2018, tỉnh phấn đấu đón khoảng 1,45 triệu lượt khách, trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 1.550 tỉ đồng; khoảng 145 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tổng số buồng lưu trú dự kiến 3.030 buồng, trong đó có 600 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.
Hà Trang