Vì sao bản người Mông - Sin Suối Hồ ngày càng “hút” khách du lịch?

(Dân trí) - Sin Suối Hồ - tỉnh Lai Châu ngày càng thu hút du khách ưa khám phá. Nơi đây, núi Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam, được “dân phượt” phát hiện và truyền tai nhau. Du khách có thể ngắm toàn cảnh thung lũng hoa dã quỳ vàng ruộm triền núi, các thửa ruộng bậc thang và thác Trái tim.

Thung lũng Sin Suối Hồ - Lai Châu (ảnh: Thienphuoctravel)
Thung lũng Sin Suối Hồ - Lai Châu (ảnh: Thienphuoctravel)

Sáng 5/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Câu. Đây là một bản làng của 123 hộ người Mông thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm ngang lưng của đỉnh Sơn Bạc Mây (quanh năm mây trắng tụ), cách Quốc lộ 4D khoảng 1 giờ xe chạy.

Đứng ở Sin Suối Hồ có thể ngắm hoàn toàn thung lũng hoa dã quỳ vàng ruộm các triền núi, các thửa ruộng bậc thang và thác Trái tim (thác nước của người Mông có hình trái tim - PV).

Khí hậu và khung cảnh tự nhiên tươi đẹp nhất của bản làng này là vào mùa xuân khi hoa đào, hoa mận nở rực rỡ các sắc màu hồng, trắng. Tuy nhiên, chính quyền huyện Phong Thổ và người dân cho biết những lúc trời mưa thì Sin Suối Hồ vẫn thu hút khách du lịch đến từ miền Nam và khách nước ngoài bằng các thác nước trong đại ngàn.

Lợi thế về thiên nhiên và tận dụng đầu tư của nhà nước phát triển đường nông thôn đã giúp người Mông ở Sin Suối Hồ phát triển du lịch khám phá trong gần 4 năm qua.

Du khách thích thú với văn hóa độc đáo ở Sin Suối Hồ (ảnh: vietnamtouris)
Du khách thích thú với văn hóa độc đáo ở Sin Suối Hồ (ảnh: vietnamtouris)

Hiện nay, cả bản có 10 hộ gia đình phát triển mô hình du lịch homestay, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho hơn 100 du khách/ngày đêm với giá 70.000 đồng/khách/đêm.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết nhiều hộ gia đình khác cũng đang tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng.

Thậm chí, một sân khấu được xây dựng đơn giản ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc và một số nhà hàng của dân bản xây dựng với đặc sản Thắng cố và rượu Ngô phục vụ du khách.

Những thiếu nữ xinh đẹp của bản Mông - Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ
Những thiếu nữ xinh đẹp của bản Mông - Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ
Ngày 5/12, đến thăm bản người Mông ở Sin Suối Hồ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng xay ngô với bà con dân bản
Ngày 5/12, đến thăm bản người Mông ở Sin Suối Hồ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng xay ngô với bà con dân bản

Sin Suối Hồ dần nổi tiếng hơn với các du khách ưa khám phá khi gần 2 năm nay, cảnh đẹp của đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử- đỉnh núi cao thứ 3 của cả nước nằm cách đó không xa được “dân phượt” phát hiện và truyền tai nhau để chinh phục thì bản làng này là điểm “tập kết” và “xuất phát” lý tưởng.

Ông Hoảng A Sà- chủ của 2 homestay và 1 nhà hàng ở Sin Suối Hồ cho biết hiện nay địa danh Sin Suối Hồ chỉ được du khách truyền tai nhau, sắp tới ông sẽ tổ chức quảng bá mạnh mẽ ở trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài du lịch, hoa lan rừng, thảo quả,… là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ với đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ. Ông Vàng A Chỉnh cho biết vụ hoa lan năm 2017 đã mang lại doanh thu 2 tỷ đồng cho các hộ dân, đồng thời tạo nên cảnh quan rực rỡ, hỗ trợ cho phát triển du lịch của bản.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm điểm kinh doanh hoa lan rừng ở Sin Suối Hồ - nguồn thu nhập không nhỏ của người dân bản
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm điểm kinh doanh hoa lan rừng ở Sin Suối Hồ - nguồn thu nhập không nhỏ của người dân bản

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết mô hình du lịch của dân bản Sin Suối Hồ đã lan ra nhiều bản, làng khác ở Tam Đường và một số huyện khác của Lai Châu, tạo ra một không khí mới trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch ở thôn, bản của tỉnh.

Theo Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh, Lai Châu có nhiều lợi thế về du lịch với cảnh quan của vùng Tây Bắc hùng vĩ. “Tây Bắc có 10 ngọn núi cao nhất nước thì có tới 6 ngọn núi nằm trên địa bàn Lai Châu. Ngoài việc khuyến khích đồng bào phát triển du lịch khám phá, Lai Châu và Chính phủ cũng cần có nghiên cứu trong dài hạn để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ tâm đủ tầm tới phát triển tiềm năng này.” - bà Hạnh nói.

Đường vào bản du lịch Sin Suối Hồ rợp vàng hoa dã quỳ
Đường vào bản du lịch Sin Suối Hồ rợp vàng hoa dã quỳ

Sáng 6/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia - sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Lai Châu.

Châu Như Quỳnh