Về thăm ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô

(Dân trí) - Về xứ Tây Đô, ngoài ghé thăm chợ nổi Cái Răng, đến bến Ninh Kiều, một điểm du lịch hấp dẫn khách không thể bỏ lỡ, đó là nhà cổ Bình Thủy. Hơn 100 năm tuổi nhưng ngôi nhà cổ vẫn giữ gần như vẹn nguyên nét kiến trúc độc đáo, là sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Đến thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, níu giữ chân du khách là thiên nhiên ưu đãi với cây trái ngọt lành, cá tôm phong phú. Vẻ đẹp và nét quyến rũ của mảnh đất được xưng danh "Tây Đô" gói gọn trong câu ca dao xưa: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về".

Về Cần Thơ, ngoài lịch trình khám phá chợ nổi Cái Răng, chợ Phong Điền, bến Ninh Kiều, đừng quên ghé qua ngôi nhà cổ Bình Thủy được mệnh danh đẹp nhất xứ Tây Đô. Trải qua bom đạn của thời chiến với hơn 100 năm lịch sử, đến nay, ngôi nhà vẫn giữ gần như vẹn nguyên nét kiến trúc độc đáo. Nơi này cũng từng làm bối cảnh của bộ phim "Người tình" của đạo diễn J.J.Annaud nổi tiếng.

Nhà cổ của dòng họ Dương được lưu truyền và bảo vệ nhiều đời nay
Nhà cổ của dòng họ Dương được lưu truyền và bảo vệ nhiều đời nay

Nhà cổ Bình Thủy hiện đang nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, được gia đình họ Dương xây dựng lần đầu vào khoảng năm 1870, xây mới vào những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân đầu tiên của căn nhà là ông Dương Chấn Kỳ - một thương gia tri thức giàu có, đồng thời là điền chủ với tính thẩm mỹ và sự sáng tạo cao. Nét đặc biệt của ngôi nhà khác hẳn với nhiều ngôi nhà cổ Nam Bộ thể hiện qua lối kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa mềm mại của hai nền văn hóa Đông - Tây phối hợp.

Cửa vào sân vườn được sơn son thiếp vàng
Cửa vào sân vườn được sơn son thiếp vàng
Khoảng sân phía trước trồng cây cảnh rộng rãi và thoáng mát
Khoảng sân phía trước trồng cây cảnh rộng rãi và thoáng mát

Trải qua 2 cuộc chiến tranh khói lửa, khi nhiều công trình xung quanh bị tàn phá, may mắn nhà cổ Bình Thủy gần như vẹn nguyên, được các đời sau nối tiếp bảo vệ và gìn giữ. Chủ nhân hiện tại là ông Dương Minh Hiển. Nằm trên mảnh đất rộng chừng 6000 m2, ngôi nhà cổ theo hướng Đông - Tây, xung quanh bao bọc bởi vườn cây cảnh, cây ăn trái xanh tốt quanh năm, tạo bầu không khí thoáng đãng trong lành.

Gian thờ đặt vị trí trang trọng nhất trong nhà
Gian thờ đặt vị trí trang trọng nhất trong nhà

So với sân vườn, nền nhà cao hơn chừng 1m. Được biết, chủ nhân căn nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian xưa, đổ một lớp muối bột dày khoảng 10 cm trước khi lát gạch bông, tạo cảm giác thoáng mát, đồng thời giúp chống mối mọt.

Đèn chùm bạch băng từ thế kỷ 18 đậm phong cách phương Tây
Đèn chùm bạch băng từ thế kỷ 18 đậm phong cách phương Tây

Phong cách phương Tây đậm nét trong căn nhà có thể kể tới nền nhà lát bằng gạch bông nhập từ Pháp, trần trang trí hoa văn, đèn chùm sang trọng, bộ bàn ghế gỗ chế tác theo kiểu Louis XV, đặc biệt là chậu rửa mặt lavabo bằng men sứ trắng hoa xanh đặt trên bệ gỗ… Một trong những điểm đặc biệt khiến du khách ấn tượng nhất khi bước chân vào nhà cổ Bình Thủy chính là bộ sưu tập đồ cổ phong phú. Trong đó, nhiều món đồ cổ quý giá được nhập khẩu từ Trung Quốc hay đưa từ các nước châu Âu.

Bồn rửa tay lavabo tráng men trắng xanh
Bồn rửa tay lavabo tráng men trắng xanh

Tuy vậy, "hơi thở" của một ngôi nhà Nam Bộ vẫn thể hiện rõ qua từng chi tiết nhỏ. Vị trí trang trọng nhất căn nhà là gian thờ thuần Việt. Xung quanh phần gỗ trạm trổ hay các bức phù điêu được chế tác tinh xảo bởi bàn tay những nghệ nhân Việt tài hoa, với nhiều hình thù gần gũi trong đời sống người Nam Bộ như Mai, Lan, Cúc, Trúc, Sen, Long, Lân, Quy, Phụng, Tôm, Cua, Khổ Qua, Nho…

Phần trạm trổ bằng gỗ với những hình thù gần gũi với đời sống người Việt
Phần trạm trổ bằng gỗ với những hình thù gần gũi với đời sống người Việt
Bộ bàn ghế khảm vân
Bộ bàn ghế khảm vân

Anh Hữu Luật, hướng dẫn viên công ty du lịch Vietravel, chia sẻ với chúng tôi câu chuyện khá thú vị. Xưa kia, công tử Bạc Liêu từng dừng chân ở nhà cổ Bình Thủy. Khi ngắm nhìn cặp ngà voi trưng bày trong nhà, ông đề nghị nhà họ Dương bán lại với bất cứ giá nào. Nhưng cuối cùng, lời đề nghị đã bị gia đình khước từ.

Bình cổ men xanh
Bình cổ men xanh

Trong giai đoạn 2015-2016, khi tuyến du lịch miền Tây Nam Bộ phát triển hơn, lượng du khách tới đây khoảng 2000-3000 khách/năm. "Do ngược cung đường quốc lộ 1 cũng như đường di chuyển tới nhiều tỉnh thành khác, đồng thời đường Bùi Hữu Nghĩa hiện đang cấm các phương tiện có trọng tải lớn, buộc du khách phải đi bộ vào trong. Đây là một trong những bất tiện khiến điểm đến này chưa thực sự hút khách đúng tầm phát triển của nó", anh Hữu Luật nhận định.

Một số hình ảnh khác của nhà cổ:

Khám phá bộ sưu tập đồ cổ phong phú là nét thú vị của căn nhà
Khám phá bộ sưu tập đồ cổ phong phú là nét thú vị của căn nhà
Những chiếc bình men xanh trang hoàng khắp nơi
Những chiếc bình men xanh trang hoàng khắp nơi
Hiện nhà thờ họ Dương là công trình kiến trúc cổ có giá trị và được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Hiện nhà thờ họ Dương là công trình kiến trúc cổ có giá trị và được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Hình ảnh về chủ nhân căn nhà cùng tư liệu xung quanh bộ phim Người tình
Hình ảnh về chủ nhân căn nhà cùng tư liệu xung quanh bộ phim "Người tình"
Khoảng không gian bên ngoài rộng rãi thoáng đãng
Khoảng không gian bên ngoài rộng rãi thoáng đãng
Khu vực sân vườn phủ đầy cây cảnh và cây ăn trái
Khu vực sân vườn phủ đầy cây cảnh và cây ăn trái
Nhiều nhận định cho rằng, lượng du khách về đây chưa thực sự xứng đáng đúng với sức hút của địa danh này
Nhiều nhận định cho rằng, lượng du khách về đây chưa thực sự xứng đáng đúng với sức hút của địa danh này

Bài và ảnh

Việt Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm