Về Quỳnh Nhai thưởng thức món “cỏ cố hương” của người Thái
Đối với hơn 10 người Thái huyện Quỳnh Nhai di dời đến nơi ở mới nhường đất cho Lòng hồ thủy điện Sơn La, họ đã mang đi tên bản làng, những nếp nhà sàn và mồ mả tổ tiên nhưng có một món ăn là thứ cây cỏ rất bình dị họ không thể mang theo đến nơi ở mới.
Đối với hơn 10 người Thái huyện Quỳnh Nhai di dời đến nơi ở mới nhường đất cho Lòng hồ thủy điện Sơn La, họ đã mang đi tên bản làng, những nếp nhà sàn và mồ mả tổ tiên nhưng có một món ăn là thứ cây cỏ rất bình dị họ không thể mang theo đến nơi ở mới.
Loài cỏ này có tên là miềng trầu và đã thành nỗi nhớ da diết của người Thái ở Quỳnh Nhai khi nghĩ về cố hương đã chìm sâu dưới lòng hồ.
Theo chân anh Điêu Chính Hiến, Phó Phòng Văn hóa huyện Quỳnh Nhai lên thuyền đi từ bến Pa Uôn xuôi Lòng hồ thủy điện Sơn La về mốc giới của huyện Quỳnh Nhai cũ đã ngập sâu dưới trăm nghìn khối nước.
Trên quãng đường thủy 30km, anh Hiến còn nhớ như in những địa danh, những tên bản, tên suối, tên núi đã chìm dưới lòng hồ.
Mắt hoe đỏ nhìn về dãy núi mờ xa, anh Hiến bảo: “Dãy núi Tạng Kẻ cao 2020m so với mực nước biển nhìn đã thấp đi nhiều khi nước lòng hồ dâng lên. Ngay dưới chân thuyền mình đang chạy đây, trước kia là ruộng, nương nhà tôi canh tác.”
Khi đặt chân đến cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, anh Hiến như đang muốn tìm kiếm một thứ gì đó giữa ốc đảo này.
Tay anh Hiến run run khi chạm đến một đám cỏ xanh tốt mọc mép ốc đảo. Ngắt một lá cỏ bỏ vào mồm nhai chép chép, anh Hiến reo lên: “Cỏ miềng trầu vẫn còn, hơn chục năm rồi tôi mới được thưởng thức hương vị này”.
Thì ra, trong chuyển trở về cố hương lần này, anh Hiến muốn tìm kiếm một loài cỏ đã gắn bó với tuổi thơ của mình.
Mang điều thắc mắc của mình về loài cỏ miềng trầu đi hỏi cụ Lò Na Hỏ ở xã Mương Chiên thì được biết rằng, loài cỏ này người Thái ở Quỳnh Nhai không ai là không biết.
Ngày xưa, có những đợt động rừng, con thú trốn hết vào núi Tạng Kẻ, con cá sông Đà trốn hết vào khe, cây cỏ trồng thì không mọc rễ, người Thái ở Quỳnh Nhai lâm vào cảnh đói kém.
Chính loài cỏ chỉ mọc ven sông Đà mỗi mùa lũ đã thành lương thực cứu đói người dân Quỳnh Nhai không biết bao nhiêu lần.
Cụ Hỏ cũng cho biết thêm, loài cỏ miềng trầu này kỳ lạ lắm, chỉ mọc vào thời gian từ 4-9 hằng năm, khi mùa mưa rừng bắt đầu, lũ trên sông Đà thường nguồn đổ về mang theo một màu phù sa đỏ au.
Cụ Hỏ đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, đã đi nhiều con sông như sông Mã (chảy qua hai tỉnh Sơn La và Thanh Hóa), sông Nậm Na (Lai Châu), sông Hồng (Lào Cai) nhưng chưa từng thấy loại cỏ miềng trầu này mọc ở ven những con sông này.
Chiều hôm ấy, sau khi ngao du Lòng hồ thủy điện Sơn La về đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai mới, chúng tôi được anh Hiến “đãi” một bữa cỏ miềng trầu ăn nhớ đời.
Cỏ sau khi nhổ cả rể được rửa sạch ăn sống kèm với muối hạt giã với gừng. Sau khi đưa gắp cỏ vào miệng, một cảm giác mùi thơm bùi đã đầy ăm ắp.
Khi nhai, rể cỏ có vị dai bùi hòa lẫn vị cay của gừng như chạy vào trong ruột.
Kỳ lạ thay, người dân huyện Quỳnh Nhai dù chuyển đến nơi ở mới cách trung tâm huyện cũ chừng 30 km thôi những đi khắp từng con suối, bờ sông cũng không hề thấy loài cỏ miềng trầu.
Anh Hiến làm cán bộ văn hóa, đi đến tất cả các thôn bản trong huyện cũng xác nhận, loài cỏ này chỉ mọc duy nhất là ở cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ.
Vào mùa này, nhiều người Thái ở huyện Quỳnh Nhai mới đã mất công đi thuyền lặn lội về quê cha, đất tổ, để chỉ nhổ một ít cỏ miềng trầu ăn để nhớ về cố hương./.
Theo Báo Ảnh Việt Nam/Vietnamplus