Về quê hương nhà văn Nam Cao khám phá món ngon dân dã

(Dân trí) - Quê hương đồng chiêm trũng Hà Nam của cố nhà văn Nam Cao là nơi có nhiều món ăn ngon giản dị và dân dã.

Hà Nam là vùng đất thuần nông nên những đặc sản ở nơi đây đều là có nguyên liệu chính từ lúa gạo và những sản vật có sẵn ở địa phương. Tuy vật phẩm bình dị nhưng dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân đã tạo nên những món ngon dân dã níu lòng du khách thập phương.

Cá kho niêu đất làng “Vũ Đại”

Từ bao đời nay, làng “Vũ Đại” hay còn gọi là làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, Hà Nam nổi tiếng với món cá trắm kho truyền thống “nức danh” trong và ngoài nước.

Về quê hương nhà văn Nam Cao khám phá món ngon dân dã
Cá kho làng Đại Hoàng chỉ dùng loại niêu đất duy nhất xuất xứ ở Nghệ An, Thanh Hóa và đun liu rui bằng củi nhãn.

Người trong làng kể lại. Trước kia vùng đất này ao chuôm nhiều mà ruộng vườn ít. Quanh năm người dân có thói quen ăn cá. Món cá kho cũng là cách để người dân bảo quản được lâu hơn. Dần dần món ăn được lưu truyền và giữ gìn đến tận này nay. Giờ đây, món cá kho đã phát triển và mang lại thu nhập ổn định cho cuộc sống người làng Đại Hoàng.

Luôn có người túc trực quanh từng niêu cá để nêm nếm gia vị.
Luôn có người túc trực quanh từng niêu cá để nêm nếm gia vị.

Những năm trở lại đây, danh tiếng cá kho của làng được nhiều người biết tới. Từ tháng 8 âm lịch, người dân trong làng bắt đầu tìm mua cá trắm đen từ 4kg trở lên để thả ao dành cho Tết. Mỗi dịp Tết đến, khách đặt hàng với số lượng lớn, mỗi hộ gia đình phải thuê thêm nhân công trong làng để phụ giúp.

Để có được nồi cá kho đúng chuẩn truyền thống phải trải qua nhiều khâu khá cầu kỳ. Từ nồi đất phải chọn đúng loại có xuất xứ ở Nghệ An, Thanh Hóa. Nguyên liệu được đun bằng củi nhãn để cháy đượm và mất mùi đất nung. Cá phải là loại trắm đen to. Khi kho, người nấu sẽ cắt bỏ đầu và đuôi cá và xếp vào nồi đất. Phần cốt lõi để tạo nên hương thơm của vị cá chính là các gia vị kho cùng gồm nước cốt chanh, gừng, riềng, nước cốt cua đồng và nước bí quyết gia truyền riêng. Tất cả được đun sôi liu rui khoảng 24 giờ cho tới khi cạn nước.

Luôn có người túc trực quanh từng niêu cá để nêm nếm gia vị.
Niêu cá trắm đen kho theo công thức gia truyền của làng Đại Hoàng đã xuất khẩu sang các tỉnh bạn và nước ngoài.

Mâm cỗ cổ truyền Tết Nguyên Đán của người dân nơi đây ngoài những món ăn thường thấy, bao giờ cũng có thêm đĩa cá kho. Trong ngày mưa lạnh của phương Bắc, được ăn miếng cá kho riềng với cơm nóng đủ để ấm lòng những vị khách thập phương khi tới đây.

Bánh cuốn chả nướng Phủ Lý

Bánh cuốn là món ăn quen thuộc của người dân và nổi tiếng ở nhiều nơi. Nhưng bánh cuốn Phủ Lý có một nét rất riêng, nhẹ nhàng mà tinh tế.

Bánh được làm từ gạo tẻ trắng và tráng mỏng với những dụng cụ đơn giản. Khi khách tới ăn, người chủ quán mới bắt đầu tráng bánh để giữ được độ nóng và dẻo thơm mùi gạo. Những chiếc bánh mỏng tang được tráng xong sẽ phủ lên mình lớp hành khô vàng ruộm thơm ngậy.

Bánh cuốn chả nướng ở Phủ Lý có nét rất riêng không giống những nơi khác.
Bánh cuốn chả nướng ở Phủ Lý có nét rất riêng không giống những nơi khác.

Ở những nơi khác, bánh cuốn sẽ bọc nhân thịt băm, mộc nhĩ bên trong và ăn kèm chả quế. Nhưng ở Hà Nam, chả nướng sẽ được dọn kèm cùng bánh cuốn. Thịt lợn thái miếng vừa ăn, tẩm gia vị đầy đủ và được nướng thơm trên than hồng. Chả chín sẽ có màu vàng cánh gián, hơi cháy xém và thịt săn chắc.

Để món bánh cuốn chả nướng được hoàn tất, món nước chấm rất quan trọng với đầy đủ mọi vị mặn ngọt chua cay pha chế hài hòa. Khi ăn, thực khách sẽ rắc thêm chút tiêu, ớt lên trên, ăn kèm cùng chút rau húng, giá đỗ và hoa chuối thái bào. Bánh cuốn Hà Nam bán nhiều ở chợ Phủ Lý, các hàng quán bên sông Đáy. Bất cứ khi nào có dịp ghé qua, du khách thử dừng chân để thưởng thức món ăn bình dị nhưng hấp dẫn này.

Mắm cáy Bình Lục

Con cáy là một loại thuộc loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam... Nghề làm mắm cáy phát triển mạnh nhất ở huyện Bình Lục. Làm mắm không quá khó nhưng để đạt được hương vị đậm đà thơm ngon cần sự tỷ mỉ, khéo léo.

Món mắm cáy rất phù hợp để chấm rau lang luộc.
Món mắm cáy rất phù hợp để chấm rau lang luộc.

Cáy sau khi bắt về sẽ được rửa sạch rồi giã nhuyễn trong cối đá. Vừa giã, người thợ sẽ cho thêm chút muối tinh. Sau đó tất cả được đổ vào hũ sành cùng riềng và gừng đập giập. Mắm cáy được phơi ngoài nắng cho “ngấu” rồi có thể chôn dưới đất. Để càng lâu, mắm càng đậm đà. Mắm thành phẩm có màu nửa xanh nửa nâu, rất hợp để chấm rau lang luộc. Với những món canh nấu bằng mắm cáy, rau càng xanh mướt và ngọt vị hơn.

Việt Hà (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm