Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá

Ngày nào cũng thế, công việc của người nuôi cá bè cứ tất bật từ sáng sớm đến chiều tối. Quần lửng, áo thun, lưng phơi lên trời, mặt găm xuống chỉ cá với cá...

Bình yên làng bè Đông Hải

Tự bao giờ, mỗi khi có dịp xuống bờ biển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, nhất là buổi tối nhìn ra vịnh Phan Rang, thấy ở xa ngoài khơi, những hàng đèn giăng giăng thật đẹp...

Ban ngày thì nhìn rõ hơn, từ gần rạng san hô lộ thiên Hải Chữ, Đông Ba kéo ra tới gần nửa vịnh, cách bờ biển Bình Sơn khoảng 7, 8 trăm mét trở ra hơn 2 km là chi chít hàng trăm bè nuôi hải sản, những cái chòi trên bè lô nhô như một ngôi làng chắn sóng cho vịnh Phan Rang.

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 1
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 2

Làng bè này chỉ xuất hiện vào cuối tháng 3 và cho đến tháng 10, khi mùa gió nam chuyển sang bấc, các bè phải di chuyển cả chục km ra phía trong hòn Đỏ để tránh sóng to gió lớn.

Buổi sáng trời êm gió. Mặt trời như một cái mâm son lấp lánh từ biển nhô lên. Phía xa, thành phố dường như đã thức, trên bãi biển có nhiều bóng người qua lại... Làng bè ở đây như vẫn còn ngủ mơ.

Theo con thuyền chở thức ăn cho cá ra bè, cảm giác trôi trên mặt biển lăn tăn sóng, mà tự nhiên thấy bình yên đến lạ. Thuyền len lỏi qua tiếng chó sủa từ các bè này qua bè khác.

Phát hiện đầu tiên là hầu như bè nào cũng có nuôi 2-3 chú khuyển mập mạp. Chúng chạy thoăn thoắt từ căn chòi ra đầu bè, chân sau choãi ra oai phong hướng mõm lên trời sủa ông ổng, nửa như hỏi thăm, nửa chừng hăm dọa.

Giá như có vài tiếng gà gáy nữa, thì nhắm mắt lại ta có thể tưởng tượng như mình đang đi trên con đường làng của một vùng quê nào đó...

Ra bè, việc đầu tiên của người lạ, là phải biết cách ngồi trên thuyền thúng sao cho khỏi nghiêng, để người bơi thúng dễ chèo.

Buổi sáng từ bờ ra bè, mang thức ăn cho hải sản và những vật dụng thiết yếu sinh hoạt, hầu như là công việc hàng ngày của những người nuôi cá bè ở đây. Bè gần bơi thúng, bè xa đi ghe. Lên bè, cũng phải biết cách để khỏi trượt chân vì thuyền thúng luôn xoay.

Thức ăn mang ra cho vật nuôi thì đủ dạng, gần như tất cả là thực phẩm tươi sống, không bè nào sử dụng thức ăn công nghiệp. Dùng cho vật nuôi nhỏ thì được xay sẵn trong bờ, độ nhuyễn của thức ăn tùy thuộc vào kích cỡ và thời gian đã nuôi. Riêng loại lớn thì chỉ việc dùng kéo cắt từng miếng như khẩu mía là được. Cá nuôi cũng đa dạng, chủ yếu ở đây các bè nuôi cá bớp, mú, bè...

Mỗi bè đều thấy có sự khác biệt về kích cỡ. Anh bạn trẻ nuôi cá bè cho biết, bè nhỏ thì 15 ô, thường thường thì 3, 4 chục ô, lớn hơn thì 6, 7 chục ô, cá biệt có bè tới 120 ô...

Ở vùng này gần như nuôi cá là chủ yếu, chỉ có số ít bè nuôi thả tôm hùm. Cứ nhìn bè nào có 2 chòi thì đấy là bè khá lớn. Mỗi ô nuôi có diện tích khoảng 9 m², nuôi tôm hùm thì đóng lồng, nuôi cá thì quây lưới. Lưới quây có độ sâu khoảng 3 sải (cỡ 4,5 mét), cá nhỏ ban đầu mỗi ô thả độ 1000 con. Sau một thời gian cá lớn thì phải tách đàn; tách cho đến khi xuất bán mỗi ô chỉ còn hơn 100 con là vừa.

Chăm cá cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Cá nhỏ cho ăn ngày ăn ba lần, lớn thì hai lần. Người nuôi phải thường xuyên thăm chừng xem cá no hay đói, có bệnh tật gì không... No thì chúng rủ nhau xuống đáy nằm, đói thì hễ thấy bóng người là nhao lên xoay vòng như biểu diễn bơi nghệ thuật.

Đi kiểm tra thì gần như hàng ngày, thỉnh thoảng phải đeo kính, ngậm ống bơm hơi, lặn xuống để “khám sức khỏe” cho cá.

Tắm cá

Có một việc người nuôi cá bè thường phải làm, nhưng nếu nghe thì nhiều người chắc cũng thấy lạ, đấy là tắm cá. Cá nhỏ năm ngày, một tuần tắm một lần. Cá lớn tám đến 10 ngày mới tắm.

Cá biển nhưng khi tắm phải dùng nước ngọt chở từ bờ ra. Nước ngọt được pha một lượng oxy già nhất định và chứa trong một cái bồn nhựa.

Anh bạn nuôi cá bè chia sẻ "Oxy già tan tốt trong nước, pha loãng rồi nên không ảnh hưởng gì đến việc sinh trưởng của cá. Chỉ cần áp dụng đúng tỷ lệ và thời gian, thời điểm thôi.

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 3

Tắm cá vẫn cần có kinh nghiệm đã được rút ra trong cuộc sống hàng ngày.

Tắm cá bằng cách này, các loại ký sinh trùng, nấm có hại bám trên cá sẽ bị tiêu diệt. Nuôi cá sợ nhất là cá bị ký sinh trùng gây đỏ dẫn tới mù mắt. Tắm cá cũng phải đúng thời điểm, cá no mà tắm cũng không được. Đã có lần tôi tắm lúc cá còn no, thế là nó ói mồi ra rồi chết cả chục con. Xúc cá để tắm cũng phải đúng cách, tránh làm tổn thương cá...".

Thì ra công việc đơn giản nhất vẫn cần có kinh nghiệm đã được rút ra trong cuộc sống hàng ngày.

Chiều gió nổi, bè dập dềnh như đang chơi trò bập bênh. Anh bạn pha nước để tắm cá xong, xách vợt ra đứng bên ô cá, thấy cá nhao lên đòi ăn nói: "Cá đói rồi nè".

Kéo đáy bốn góc lưới lên cho cá tụ lại để dễ vợt. Hôm nay bè tắm cá bớp bốn tháng tuổi, mỗi con ước chừng cỡ gần 2 kg. Cá được vợt lên bỏ vô bồn nước quẫy ầm ầm.

Bốn tháng cũng đã trải qua cả chục lần được tắm nên những chú cá có vẻ cũng quen, sau vài phút lại chúng lại được trở về “nhà” của mình bên một ô mới đã được làm vệ sinh sạch sẽ. Khoảng bốn tháng nữa khi trọng lượng khoảng 5-6 kg lô cá này sẽ được xuất bán.

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 4

Ngày nào cũng thế, công việc của người nuôi cá bè cứ tất bật từ sáng sớm đến chiều tối. Quần lửng, áo thun, lưng phơi lên trời, mặt găm xuống chỉ cá với cá...

Anh bạn ở bè bên cạnh qua chơi tâm sự: "Nuôi cá bè mấy năm nay cũng hên xui, nhất là gặp mùa dịch COVID-19 này, cá đến lứa xuất giá thấp lắm, em vừa lỗ hơn 200 triệu đấy. Biết thế nhưng có bỏ nghề được đâu anh.

Nuôi cá thành cái nghiệp rồi, mình đầu tư cả tỷ đồng vào bè, bây giờ bỏ sao được, lỗ lãi cũng là chuyện bình thường, còn cả vì công việc người làm cho mình nữa, có muốn sang lại bè cũng không ai mua... Thôi thì cũng phải cố gắng, biển cũng không phụ mình đâu".

Trời vừa tối, phía trong bờ thành phố đã rực ánh đèn. Mấy người bè bên cạnh rủ nhau chèo thúng tới ăn cơm cho vui. Những câu chuyện trong bữa cơm rôm rả, cũng chỉ xoay quanh chuyện con cá mình đang nuôi dưới bè.

Đêm về giữa biển gió mát rượi, văng vẳng tiếng chó sủa mấy người đang chạy ghe vợt bắt cá nhái.

20 giờ, trăng đầu tháng đã lên giữa đỉnh, chỉ còn tiếng sóng oàm oạp vỗ vào phao bè. Làng nổi giữa biển cũng đã bềnh bồng chìm vào giấc ngủ say.

Một số hình ảnh tại làng bè Đông Hải:

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 5
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 6
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 7
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 8

Buổi sáng yên bình ở làng bè Đông Hải

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 9
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 10

 Chuyển thức ăn ra bè, cho cá ăn.

Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 11
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 12
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 13
Về Ninh Thuận ra làng bè Đông Hải xem tắm cá - 14

Theo Núi Xanh

PLO