1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Về đâu những tiếng rao xưa

Tiếng rao thường được nhắc đến với cuộc sống vội vã của những đô thị phồn hoa. Tiếng rao phải to để lấn át tiếng âm thanh hỗn tạp của phố phường.

Thế nhưng, ở những miền quê hương thuần hậu, chất phác như quê tôi, một thời đã gắn bó với những tiếng rao bình dị, thân thương, để bây giờ, mỗi lần hoài niệm, bất cứ ai cũng cảm thấy bồi hồi, nhung nhớ...

Về đâu những tiếng rao xưa - 1

Minh họa: Tiến Hành

Những buổi trưa hè oi ả, chỉ chờ có tiếng rao: "Ai kem đây, kem đây!" là lũ trẻ trong làng chạy ùa ra với dép nhựa hư, mớ lông vịt còn sũng nước hay chiếc ca nhôm hỏng quai... Toàn những thứ để đổi chác chứ ít đứa nào có tiền mặt. Dưới bóng tre xanh, huyên náo một vùng...

Buổi ế hàng, nhiều anh còn chế ra những tiếng tếu táo: "Cô nào chồng bỏ chồng chê, mua năm ba cái chồng mê lại liền" hoặc tinh nghịch, trêu chọc: "Bán một que, tặng một que, cho một que, lấy tiền ba que đây!" hoặc chất phác, thẳng thắn: "Lưỡi cuốc, lưỡi cày, lâu ngày hư hỏng, lông ngan, lông ngỗng, đem đổi kem đê!"...

Nhớ nhất là những "gian hàng bách hóa" của những chú tóc dài ngoài Bắc vào, giọng ngọt lịm: "Dép lê, dép rọ, dép bỏ bờ ao, các cháu nhặt vào, đem cho chú đổi: Đồng hồ, kim chỉ, vá may quần áo, cườm đeo tay nào!". Trời đất, trong một câu rao mà có đủ thứ, hấp dẫn và đầy cám dỗ, thử hỏi đứa trẻ con nào mà không lao ra, không "ăn cắp" hoặc cố tình phá hủy soong nồi, dép... để mang ra đổi cùng chúng bạn!

Rồi những tiếng rao của thợ hàn nồi. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, phía sau chở một cái thùng gỗ, đựng đồ hành nghề, vọng về tiếng rao: "Hàn soong hàn nồi không?". Nói là "hàn" nhưng kì thực làm gì có máy móc mà hàn! Chỉ có thể gọi là "vá" bằng kỹ thuật đột, tán và bôi một thứ hỗn hợp gì đó, màu đen sền sệt...

Có tiếng rao của thợ mài dao kéo: "Mài dao mài kéo không?", rồi có cả tiếng rao của thợ đánh sơn mài từ miệt Hà Nam vào, tiếng "thúng mủng coong keng" của làng nghề đan lát Xuân Bồ, bán thang ở ngoài Ba Đồn... len lỏi khắp các miền nông thôn thời bấy giờ.

Nhớ những bà mẹ, những chị người Huế với gánh hàng trên vai kẽo kẹt, đi hết làng này đến làng kia với tiếng rao thường trực: "Nhôm nhựa dép bán hông?". Tôi vẫn còn nhớ những dáng người hao gầy, liêu xiêu đôi quang gánh những chiều về. Chao ôi là nhớ thương cho những "Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong/Bước cao thấp trên bờ tre hun hút..." (Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)!

Có những mặt hàng, người ta không cần rao, thay vào đó là tiếng chuông "reng reng", tiếng còi tay "píp pọp". Mỗi lần nghe những âm thanh quen thuộc nào đến gần, cả làng đều biết sắp có kẹo kéo để ăn và kem đổi nhôm nhựa.

Hiện đại rồi, những tiếng rao trầm bổng, du dương, thấm đậm hồn quê cũng thưa dần và tắt lụi, thay vào đó là tiếng rao công nghệ: "Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ", "Mua điện thoại hỏng, máy tính hỏng, laptop hỏng..." và cả "Mời bà con ra xe mua muối"...

Tiếng rao xưa, mang trong nó một nét văn hóa. Nó là cả bầu trời ký ức tuổi thơ, của mỗi người. Trong tiếng rao có ước mơ, có nỗi niềm, có sự ấm no, hạnh phúc và gian khó, nhọc nhằn!

Thời gian dần trôi theo năm tháng, những tiếng rao "live" cũng thưa dần. Đêm quê hương, bỗng thèm nghe những tiếng rao của những ngày chưa xa lắm. Những tiếng rao tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã lay động, thổn thức con tim của không ít con người!

Về đâu những tiếng rao xưa?!