Về đất Mũi trải nghiệm cuộc sống miền sông nước
(Dân trí) - Với hầu hết “tín đồ” du lịch và có niềm đam mê khám phá dải đất hình chữ S thân thương, Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) chính là một trong 4 điểm cực “phải một lần đặt chân tới trong đời”.
Về mặt địa lý, nếu như Cột Cờ Lũng Cú (Hà Giang) được coi là cực Bắc của Việt Nam, Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) là cực Tây, cực Đông ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) thì Mũi Cà Mau chính là điểm tận cùng ở phía Nam đất nước. Nhà thơ Xuân Diệu từng có câu thơ rất hay miêu tả một cách hình ảnh đầy sinh động vùng đất mũi “Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”.
Để đến với đất Mũi, chúng tôi mất hơn một tiếng ngồi xuồng cao tốc, vốn đã được rút ngắn so với trước đây do tuyến đường bộ mới mở từ Cà Mau đến huyện Năm Căn. Sau tiếng khởi động “phành phạch” của động cơ, chiếc xuồng cao tốc nhấc cao mũi đầy kiêu hãnh rồi “xé gió”, lướt đi như bay trên mặt nước sông Cửa Lớn.
Đối với người lần đầu đến Cà Mau như tôi, quãng thời gian được trải nghiệm trên chiếc “mô tô nước” thực sự rất thú vị. Dưới sự điều khiển của tài công đầy kinh nghiệm, chiếc xuồng cao tốc lúc rẽ nước đầy mạnh mẽ, khi thì bất ngờ lượn nghiêng sau cú bẻ lái ngoạn mục hay có đoạn nước nông, tài công phải tắt máy điều khiển chiếc xuồng vượt qua con lạch đang dần bị “xâm lấn” bởi hàng đước trơ hẳn bộ rễ chằng chịt ở hai bên.
Vốn có địa hình bán đảo, hệ thống sông ngòi dày đặc nên phương tiện đi lại và giao thương chủ yếu ở đây là những chiếc ghe, thuyền độc mộc. Hai bên bờ sông, cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước hiện lên với những ngôi nhà nổi đơn sơ, thậm chí sơ sài được dựng lên từ những tấm tôn ghép. Mọi sinh hoạt, mua bán của người dân nơi đây đều gắn với sông nước nên bạn sẽ bắt gặp các cửa hàng bán đồ nhu yếu phẩm hàng ngày, cửa hàng hải sản, đồ khô hay cả... những cây xăng được dựng ngay trên nền gỗ của nhà nổi.
Sau khi xuồng cập bến neo đậu, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá đất Mũi bằng việc leo lên Đài quan sát hình trụ cao 21m, từ trên đài có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ vùng đất Mũi. Theo lời hướng dẫn viên, đài có 54 bậc thang được thiết kế uốn lượn, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đất Việt.
Chúng tôi háo hức tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm bên biểu trưng của mũi Cà Mau với hình tượng một con tàu đang vươn ra biển, trên tàu là lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Cách đó không xa là Cột mốc quốc gia, xác định điểm tận cùng ở cực Nam của đất nước trên đất liền. Vì là nơi giáp mặt biển cả hai phía Đông và Tây nên mũi Cà Mau là nơi mỗi ngày người ta đều có dịp chứng kiến cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển.
Trên đảo bày bán khá nhiều các đặc sản của vùng sông nước Cà Mau như cá dứa, tôm tít, ba khía, khô cá lóc, tôm khô, cá thòi lòi... Trong hành trình của mình, chúng tôi được công ty Vietravel sắp xếp ghé thăm 2 hộ gia đình được chọn làm thí điểm mô hình du lịch Home stay. Du khách tới đây được sinh hoạt cùng người dân, tham gia vào các hoạt động thú vị như nghe hát đờn ca tài tử, đi ghe, chèo thuyền câu cá... hay thưởng thức những món ăn tươi ngon do chính người dân đánh bắt, nuôi trồng như cá nướng, ốc xào, vọp hấp, canh chua cá với các loại rau, bông trong vườn...
Tuy điều kiện vật chất còn khó khăn, kinh nghiệm làm du lịch còn hạn chế nhưng những “vị chủ nhà” tạo ấn tượng tốt với du khách nhờ sự hiếu khách, chân tình đặc trưng của người dân miền Tây. Bên cạnh đó, vẻ hữu tình của thiên nhiên sông nước, cuộc sống yên bình nơi đất Mũi đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước tới đây khám phá, trải nghiệm.
Ngày 26/5/2013, cùng với Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển. Ngày 13/4/2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 2 tại ĐBSCL và thứ 5 của Việt Nam. |