Về chốn rừng thiêng trên vùng Tây Bắc
(Dân trí) - Năm xưa, tại nơi rừng thiêng này, tướng Hoàng Công Chất đã làm nên một chiến tích lẫy lừng. Tròn hai thế kỷ sau, cũng tại nơi này rừng thiêng trở thành đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
Tương truyền tại Mường Phăng (nay thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), dưới sự chỉ huy của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706-1768), nghĩa quân đã đánh một trận sống mái chống lại đạo quân triều đình do Đoàn Nguyễn Thục chỉ huy, dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Hoàng Công Chất vừa chống vừa lui, nhử địch vào nơi thủ hiểm là Mường Phăng và kết thúc bằng một trận gươm đao đỏ máu.
Tròn 2 thế kỷ sau, Mường Phăng trở thành đại bản doanh, nơi đóng quân của Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ mà đến nay vẫn chưa bị chặt phá do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải giữ gìn, chăm chút.
Sở Chỉ huy Quân sự chiến dịch Điện Biên Phủ đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.
Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh..
Vào những thời điểm quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn được đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Đường hầm dài 69 m, cao 1,9 m, rộng 2 m, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.
“Nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”
Bà con thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội ta thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”, gọi căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Những tên gọi nay đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại.
Gần 6 thập kỷ qua, Mường Phăng đã trở thành niềm tự hào trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt Nam. Song, với du khách nước ngoài, hai tiếng “Mường Phăng” ẩn chứa trong đó cả một sự kỳ bí đến mức “không thể hiểu nổi”, như chính các báo chí phương Tây từng viết.
Họ đến đây vì tò mò, so sánh 2 trung tâm chỉ huy chiến dịch và từ đó hiểu hơn về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ từ cả hai phía. Nhiều người không thể ngờ, cách trung tâm chỉ huy Pháp tại Mường Thanh khoảng 25 km là Sở chỉ huy chiến dịch của Việt Nam được giữ kín như vậy. Họ tìm hiểu rất kỹ cách bố phòng và khả năng che giấu của bộ đội ta trước sự “soi mói” của lực lượng thám không lúc đó.
Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên.
Những ngày tháng lịch sử, về thăm Điện Biên, đi giữa cánh rừng nguyên sinh của khu di tích lịch sử, ta sẽ nghe tiếng lá xào xạc, tiếng chim khắc khoải về một thời xa vắng. Con suối nhỏ ngoằn nghoèo lách qua khu rừng, rồi hòa vào những thửa ruộng bậc thang làm cho những cánh đồng lên xanh. Ta sẽ gặp nụ cười mến khách của thiếu nữ Thái, gặp sự gần gũi thân thiện của bà con, gặp sản vật núi rừng bình dị và độc đáo.
Nhưng hơn cả là gặp lại sưu sống dậy của một ký ức hào hùng dân tộc. Qua hơn nửa thế kỷ, Trung tâm chỉ huy chiến dịch ở khu di tích Mường Phăng vẫn mãi là điểm đến của lòng tự hào, yêu nước, của sự tri ân và mãi góp phần vào khúc khải hoàn chiến thắng năm xưa.
Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của QĐNDVN
Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo
Bếp Hoàng Cầm trong “rừng thiêng”
Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm. Sau chiến tranh, đã nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng đội của ông trở lại thăm khu sở chỉ huy này.
Bài, ảnh: Minh Phan