Tưng bừng Ngày hội văn hóa vùng Đông Bắc tổ chức tại Lạng Sơn

Hồng Anh

(Dân trí) - Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Đông Bắc tổ chức tại Lạng Sơn tạo cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tối 2/11, tại Lạng Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và UBND các tỉnh vùng Đông Bắc tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI - Lạng Sơn 2024.

Ngày hội năm nay có chủ đề Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc hội nhập và vươn xa gắn với kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831-4/11/2024) và 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2024).

Tưng bừng Ngày hội văn hóa vùng Đông Bắc tổ chức tại Lạng Sơn - 1

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vùng Đông Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng của nước ta.

Đây cũng là nơi hội tụ nhiều dân tộc với kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển đất nước, vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng Đông Bắc nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để ưu tiên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, các giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang được đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực, động lực quan trọng để các dân tộc vùng Đông Bắc vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên.

Ngày hội văn hóa vùng Đông Bắc là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng đã đề ra, trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc, vì một Việt Nam hùng cường.

 Những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ còn được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo dòng chảy của lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để các tỉnh vùng Đông Bắc cùng cả nước nỗ lực hơn nữa trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là vùng đất "phên dậu", cửa ngõ phía Đông Bắc nơi địa đầu của Tổ quốc, với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước.

Trong những năm qua, cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Lạng Sơn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Tháng 9 vừa qua, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ tư trong cả nước, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, tạo cơ hội để Lạng Sơn cùng các tỉnh Đông Bắc phát triển theo mô hình "mở".  

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là sự kiện chính trị - văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Đông Bắc.

Sự kiện tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tưng bừng Ngày hội văn hóa vùng Đông Bắc tổ chức tại Lạng Sơn - 2

Lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn (Ảnh: Mạnh Quân).

 Lạng Sơn là nơi hội tụ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào. Lạng Sơn có 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H'Mông. Mỗi dân tộc tập trung ở một số khu vực, địa bàn nhất định, tạo nên những bản sắc văn hóa riêng, thể hiện đặc trưng qua các phong tục, tập quán, dân ca dân vũ… Đây chính là cộng đồng sáng tạo và giữ vai trò quan trọng then chốt trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Lạng Sơn.

Các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn); lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (TP Lạng Sơn); lễ hội Phài Lừa (Bình Gia); lễ hội Bủng Kham (Tràng Định); lễ hội Bắc Nga (huyện Cao Lộc); múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; hát Sli dân tộc Nùng; Then Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.

Hai di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại gồm di sản Then và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Hệ thống di sản vật thể của tỉnh vô cùng đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử; 163 di tích kiến trúc nghệ thuật; 37 di tích khảo cổ; 23 di tích danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó, 247 lễ hội truyền thống, trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng).

Với nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch dồi dào cùng truyền thống hiếu khách, chân thành, Lạng Sơn chắc chắn sẽ đem đến cho du khách và đại biểu nhiều trải nghiệm khó quên.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra từ ngày 2/11 đến ngày 4/11 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm