Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định

(Dân trí) - Mặc dù ba năm mới tổ chức khao lão – mừng thọ một lần nhưng tục lệ của người làng Ngọc Tiên – Nam Định rất khác nhiều nơi.

Làng Ngọc Tiên (còn gọi Ngọc Cục) là một ngôi làng cổ tại xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Theo ngọc phả, làng Ngọc Tiên có từ cuối thời Lý (thế kỷ XII) và đầu thời Trần (thế kỷ XIII).

Theo “Dư Địa Chí Nam Định”, xưa kia làng Ngọc Tiên có tên là “Nam Thiên Ngọc ấp” - mảnh đất phía trời Nam. Đến thời Trần, làng nằm trong Hành Cung Trang và được chọn là vườn Kim Quất nhà Trần. Với những vật phẩm, cống vật dâng vua nổi tiếng như: chuối ngự, cam đường, cải quan âm...

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 1
Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 2

Các cụ cao niên được rước ra đình, chùa, đền để tổ chức lễ Trương Yến.

Với bề dày lịch sử và có đông dân cư quần tụ nên lễ tục của làng Ngọc Tiên thuộc hàng tiêu biểu trong khu vực. Làng có hai tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Nhưng có lẽ do dân cư quần tụ từ thời xa xưa nên trong làng rất giữ nề nếp, lề thói và sống đoàn kết thuận hoà, đặc biệt những dịp lễ trọng trong năm của làng.

Người Ngọc Tiên luôn nhớ câu ca dao “Hội làng nhất lệ nhất niên/Lễ mừng Trương Yến tam niên nhất tuần”. Với câu ca dao xưa, người làng muốn nhắc nhở con cháu, hội làng thì mỗi năm đều mở nhưng lễ mừng thọ hay còn gọi là Trương Yến chỉ được tổ chức ba năm một lần.

Theo hương ước của làng thì vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu làng tổ chức lễ Trương Yến, tức lễ mừng thọ cho các cụ từ 70, 80, 90 và 100 tuổi.

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 3

Các gia đình có ông bà, cha mẹ được khao lao - mừng thọ bê mâm lễ ra đình - chùa lễ Phật Thánh.

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 4
Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 5

Các lễ tục của làng Ngọc Tiên ngày nay đều thực hiện theo lề thói cổ xưa.

Vào những năm này, nếu gia đình nào có ông bà, cha mẹ tròn tuổi thì thường tổ chức rất to, còn các cụ quá tuổi sẽ theo lệ làng mà khao thọ. Phần khao thọ trong hương ước ghi đầy đủ là lấy từ ruộng lão để tổ chức cho các cụ và phần quan trọng nhất là rước các cụ từ 70 tuổi trở lên ra đình, đền, chùa của làng để lễ tạ Phật Thánh. Sau đó các cụ được tặng quà, thụ lộc tại làng.

Xưa kia, lễ Trương Yến của làng làm riêng vào tháng Hai âm lịch nhưng những năm sau này các cụ sợ con cháu đi làm ăn xa về nhiều lần vất vả nên ghép lễ Trương Yến vào lễ hội truyền thống của làng vào 12 tháng Giêng các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Vào các năm không phải 4 năm trên thì không người làng nào khao thọ cho ông bà, cha mẹ cả.

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 6

Bộ trang phục của các cụ mừng thọ 80 tuổi.

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 7
Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 8

Người làng nhìn vào trang phục mà các cụ nao niên mặc để đoán số tuổi thọ.

Những năm chính tổ chức Trương Yến, cả làng đều náo nức, không riêng gì những gia đình có người khao thọ mà ngay người dân thường cũng đều vui vẻ và chúc phúc các cụ cao niên trong làng.

Phần vật phẩm của làng dành cho các cụ bảy 70 là khăn đỏ, các cụ 80 tuổi là khăn đỏ áo đỏ, các cụ 90 tuổi trở lên là khăn đỏ áo đỏ quần đỏ. Bên cạnh đó là cân đường hộp sữa tuỳ theo từng năm. Hàng xóm láng giềng thì đến chúc tụng các cụ.

Sau ngày Trương Yến, gia đình có người được ăn thọ lại cho con cháu đi trả lễ làng xóm là cặp bánh dày, bánh dẻo, bánh nướng có chữ “Thọ”...

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 9
Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 10
Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 11

Không chỉ có các cụ được mừng thọ mới háo hức mà ngay cả người dân thường cũng rất tôn quý tục lệ này.

Với thời kinh tế thị trường nhiều điều đã đổi thay nhưng những lễ tục cổ của làng Ngọc Tiên đến ngày nay vẫn còn gìn giữ được cho hậu thế. Tuy rằng, sự phát triển của đời sống kéo theo sự đơn giản hoá các phần nghi lễ nhưng một làng với bộ hương ước tiến bộ tiêu biểu trong cả nước thì việc giữ được những nét đẹp đó là điều đáng trân trọng.

Tục khao lão có một không hai ở ngôi làng cổ nhất nhì Nam Định - 12

Bánh dày có thữ "Thọ" mà con cháu trả lễ cho những người đến mừng thọ.

Hà Tùng Long

Ảnh: NCV