Từ thứ đồ bình dân tới món ăn đắt đỏ hơn "vàng trắng" trên bàn tiệc
(Dân trí) - Món ăn có tuổi đời hàng nghìn năm, nay trở nên đắt đỏ hơn bởi nguồn thực phẩm chính làm nên nó cũng tăng giá mạnh.
Món thực phẩm đắt như "vàng trắng" trên bàn ăn
Người Nhật Bản đã ăn thịt lươn hàng nghìn năm nay. Chúng có tên gọi chung là Unagi hay cá chình nước ngọt của Nhật Bản, thậm chí còn đắt hơn cá ngừ vây xanh.
Món lươn Unagi xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật suốt nhiều thế kỷ. Nhưng việc mất môi trường sống, đánh bắt quá mức và ô nhiễm nguồn nước khiến số lượng lươn ngoài môi trường giảm nhanh chóng, đẩy giá thành mặt hàng này tăng vọt.
Mỗi kg lươn Nhật loại nhỏ vào thời điểm tháng 1/2018 có giá khoảng 35.000 USD/kg (hơn 800 triệu đồng). Điều này càng khiến thị trường chợ đen phát triển mạnh.
Theo số liệu thống kê, 40% đến 60% nguồn lươn Nhật Bản hiện có đến từ các nguồn bất hợp pháp. Bởi vậy, đây là một trong những thực phẩm đắt đỏ nhất ở Nhật, thậm chí còn ví như "vàng trắng" trên bàn ăn.
Những nỗ lực để bổ sung số lượng lươn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn bởi chi phí cao và vòng đời nuôi dưỡng phức tạp. Lươn nuôi ở nông trại phải mất tới gần một năm mới có thể "xuất chuồng" giao cho các nhà hàng.
Sao lươn Nhật Bản đắt đỏ nhưng lại được ưa chuộng đến vậy?
Năm 1980, số lươn đánh bắt trên toàn cầu giảm 75%, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành. Anh Rui Kinishita, chủ nhà hàng Surugaya cho biết, giá lươn đắt lên từng năm. Giá hiện tại có thể tăng gấp 3 so với năm ngoái.
Không giống như các hải sản khác, phần lớn lươn Nhật Bản hiện nay được nuôi. Không trang trại nào đủ khả năng tạo giống nên hầu như họ phụ thuộc vào nguồn lươn con đánh bắt ở biển. Việc nuôi lươn đòi hỏi sự chăm sóc cao độ. Nếu có dịch bệnh hoặc sự cố xảy ra trong đầm nuôi, chủ trang trại chịu lỗ ngay lập tức.
Lươn nuôi đủ ngày tháng sẽ được bắt lên rồi phân loại theo kích cỡ để quyết định bán đi đâu. Một phần họ sẽ giao bán cho những nhà hàng như nhà hàng Surugaya đã nhắc ở trên. Nơi này phục vụ món lươn cho thực khách suốt hơn 150 năm qua.
Người dân "xứ sở phù tang" rất chuộng món lươn Kabayaki và nó đóng vị trí quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản. Trông có vẻ đơn giản nhưng đầu bếp muốn chế biến đúng điệu cần nhiều năm luyện tập mới thuần thục kỹ năng nấu nướng. Đầu bếp hấp và nướng mỗi vỉ 3 lần. Giữa các lần nướng đều nhúng vào nước sốt. Phần trình bày và hương vị mỗi phần phải ngon đẹp như nhau.
Người Nhật vẫn có câu nói truyền miệng để thấy rằng món ăn này chế biến không dễ dàng. Đó là "3 năm luyện cách xiên lươn, 8 năm học cắt lươn, còn cách nướng phải học cả đời".
Vài chục năm trở lại đây, từ một món ăn bình dân thông dụng và được yêu thích, chúng đã trở thành đồ cao cấp.
Món lươn Kabayaki được phục vụ trong một chiếc hộp sơn dầu, kèm cơm trắng gọi là unaju. Mỗi hộp có giá từ 90 USD trở lên, nhưng còn phụ thuộc vào giá lươn. Những nhà hàng chuyên phục vụ món ăn này có thể bán tới 40-50 tấn lươn/năm. Tuy nhiên, nếu giá lươn quá cao, nhà hàng khó có lợi nhuận.