Tranh cãi trang phục Thái Lan ngập tràn tại các điểm đến ở Ninh Bình

Phúc Anh

(Dân trí) - Một khách nước ngoài bình luận, khen "Thái Lan tuyệt đẹp" bên dưới bức ảnh được chụp tại Ninh Bình. Người này nhầm điểm đến khi nhìn những người trong hình đều mặc trang phục của Thái Lan.

Sau trào lưu mặc trang phục Mông Cổ, Tây Tạng trên sông Nho Quế (Hà Giang), mới đây, cộng đồng du lịch tiếp tục "dậy sóng" khi mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh các bạn trẻ mặc trang phục truyền thống của Thái Lan, chụp ảnh tại các điểm du lịch ở Ninh Bình.

Không những mặc quần áo Thái Lan, nhiều bạn trẻ còn cố ý chọn những góc chụp giống với kiến trúc hoặc phong cách của xứ sở chùa vàng, để có những bức ảnh trông như đang đi du lịch tại đất nước này.

Thu Trang (29 tuổi, Ninh Bình), cho biết: "Tôi lớn lên ở thành phố Ninh Bình, đã đi hầu hết các điểm du lịch ở đây nhưng chưa từng được đi Thái Lan. Gần đây thấy trên mạng nhiều bạn trẻ chụp ảnh với trang phục này khá đẹp, chọn góc giống như bên Thái nên tôi cũng muốn thử".

Tranh cãi trang phục Thái Lan ngập tràn tại các điểm đến ở Ninh Bình - 1

Thiếu nữ, du khách người Việt mặc trang phục truyền thống của Thái Lan tại các điểm du lịch ở Ninh Bình gây tranh cãi (Ảnh: NVCC).

Tương tự, Mai Hương (27 tuổi, Hà Nội) cũng thuê một bộ trang phục truyền thống của Thái Lan "vì trông lấp lánh, lên ảnh rất ấn tượng". Cô cho biết không có quy định cấm mặc nên cô mặc thử đơn giản vì thấy đẹp.

Trào lưu thuê những bộ trang phục nước ngoài chụp ảnh xuất hiện khoảng 1 năm trở lại đây, ở nhiều địa điểm du lịch như Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai)… Khoảng 2 tháng nay xuất hiện nhiều tại đầm sen Bích Động; Hang Múa (Ninh Bình).

Khách du lịch, đa số là các bạn trẻ lựa chọn đồ Thái Lan, Mông Cổ, Tây Tạng hoặc các dân tộc của Trung Quốc. Một người cho thuê trang phục ở Hang Múa, cho biết, trang phục nước ngoài thậm chí được ưa chuộng hơn đồ truyền thống dân tộc của người Mông, người Thái.

Tranh cãi trang phục Thái Lan ngập tràn tại các điểm đến ở Ninh Bình - 2

Khách Việt yêu thích những trang phục truyền thống của Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc... vì nhiều màu sắc, độc lạ (Ảnh: NVCC).

"Trang phục của Thái Lan hay Mông Cổ trông rất sặc sỡ, nhiều phụ kiện lấp lánh nên chụp ảnh đẹp, được trang điểm, tết tóc và gợi ý chọn góc chụp giống như đang ở Thái Lan hay Trung Quốc", chủ tiệm cho thuê trang phục nói.

Mỗi ngày, chị Viên cho thuê khoảng 10 bộ trang phục của quốc gia khác, chỉ tính riêng khách lẻ, tất cả khách thuê đều là người Việt Nam. Trong khi đó, trang phục truyền thống dân tộc ít hơn, chỉ 2-5 bộ/ngày.

Hai loại trang phục có giá thuê gần bằng nhau, dao động 50.000-250.000 đồng/bộ. Nếu khách yêu cầu, tiểu thương sẽ hỗ trợ trang điểm, tết tóc, điều chỉnh trang phục giống hệt như cách người Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan mặc. 

Theo tìm hiểu, những bộ trang phục này được người dân địa phương, các tiểu thương nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn. Phần lớn các thiết kế được may lại theo nguyên mẫu đồ truyền thống của người Mông Cổ, Thái Lan, Tây Tạng… nhưng chất liệu và gia công rẻ, chỉ phục vụ kinh doanh cho khách du lịch thuê chụp ảnh.

Việc nhiều du khách người Việt mặc trang phục Thái Lan ở Ninh Bình tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi trên các hội nhóm du lịch.

Tranh cãi trang phục Thái Lan ngập tràn tại các điểm đến ở Ninh Bình - 3

Nhiều du khách nước ngoài không phân biệt được đâu là trang phục truyền thống của Việt Nam, đâu là trang phục của Thái Lan, Trung Quốc (Ảnh: NVCC).

Đỉnh điểm, có một khách nước ngoài bình luận, khen "Thái Lan tuyệt đẹp" bên dưới bức ảnh được chụp tại Ninh Bình càng khiến nhiều người bức xúc. Một số cho rằng đây chính là "hậu quả" của việc chỉ quan tâm đến cái đẹp, "sống ảo" mà quên mất giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, nhiều du khách khác bình luận, các điểm du lịch chưa có thông báo hay biển cấm việc mặc những trang phục này. Do vậy, mọi người có quyền tự do mặc đồ mà họ yêu thích.

Nhận định về trào lưu mặc trang phục truyền thống của người nước ngoài chụp ảnh tại các địa điểm du lịch của Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, cho biết, đây là một thực trạng đáng buồn gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc.

Theo tiến sĩ Hồng, trang phục không chỉ là cái mặc, mà còn đại diện cho một quốc gia, một bản sắc dân tộc, cho chúng ta thấy cội nguồn lịch sử phát triển của dân tộc đó. Những họa tiết, hoa văn trên trang phục thể hiện nhân sinh quan của người Việt.

"Người dân địa phương có thể phân biệt trang phục của người dân tộc và của nước ngoài, song khách du lịch thì không. Họ chỉ có nhu cầu chụp ảnh theo xu hướng độc, lạ.

Điều này khiến bản chất là văn hóa du lịch các vùng miền, những sản phẩm hình ảnh lại mang dáng hình, hoa văn, họa tiết của những quốc gia khác", vị chuyên gia nói.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng mong muốn chính quyền, đơn vị quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương nhận thức được lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ văn hóa dân tộc.

Với du khách trong và ngoài nước, theo chuyên gia, cần có ứng xử văn hóa đúng đắn và biết tôn trọng giá trị truyền thống của Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm