Tìm về không gian du lịch tâm linh tại Bình Định

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tìm về du lịch tâm linh ở Bình Định, du khách sẽ được khám phá nét độc đáo trong kiến trúc chùa chiền, đền tháp và các nhà thờ...

Bình Định vốn nổi danh với những địa điểm du lịch tâm linh độc đáo. Là vùng đất có sự dung hòa văn hóa của các tộc người Việt, Chăm, Hoa và cả văn hóa phương Tây nên Bình Định có đầy đủ các di tích kiến trúc tâm linh mang dáng nét của những cộng đồng này. Tìm về du lịch tâm linh ở Bình Định, du khách sẽ được khám phá nét độc đáo trong kiến trúc chùa chiền, đền tháp và các nhà thờ, được thăng hoa trong tâm hồn, được thỏa mãn niềm tin về thế giới thiêng liêng mà con người chỉ có thể chứng nghiệm bằng tâm linh… Từ đó, du khách sẽ cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của cuộc sống và vươn tới những điều tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh mình.

Đến Bình Định, du khách không nên bỏ qua những điểm du lịch tâm linh này nhé:

1. Tổ Đình Long Khánh: Là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân thành phố Quy Nhơn, tổ đình Long Khánh có tuổi đời gần 300 năm gắn liền với những thăng trầm hưng phế của mảnh đất Quy Thành. Ngôi cổ tự được hình thành trước tiên để phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa di cư đến sinh sống, vì vậy, có phần giống kiến trúc chùa chiền của người Hoa ở miền Nam. Chùa được thiết kế hình chữ khẩu với phần thượng điện, hậu điện. Đây là nơi sư tăng Phật giáo tu tập đồng thời cũng là nơi đón bước chân vãn cảnh của du khách thập phương. Đến với tổ đình Long Khánh, du khách được chiêm bái kiểu kiến trúc chùa độc đáo, không gian thoáng đãng, bình yên giữa lòng thành phố nhộn nhịp đồng thời chứng nghiệm sự linh thiêng của ngôi cổ tự qua lời truyền tụng của các tín hữu Phật giáo.

Tìm về không gian du lịch tâm linh tại Bình Định - 1

Linh Sơn Thiền Tự (Ảnh: chuaviettoancau.com).

2. Linh Sơn thiền tự: Hay còn gọi là chùa Linh Sơn, là một trong những ngôi chùa tọa ven núi Bà, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Chùa được xây dựng và truyền tự đã mấy đời, người sau nhờ đó mà phát triển. Bên trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật và di tích quý giá như đại hồng chung đúc năm 1804, hai câu đối do chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự đề. Tương truyền, sư ông xưa kia tu đạo ngay trong hàng sâu phía sau chùa, hàng ngày tụng niệm kinh kệ, vui vầy Phật Pháp. Du khách nên ghé chùa vào buổi sáng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của ngôi chùa cổ kính này với sương núi vẫn còn bàng bạc khắp không gian. Vào thắp hương lạy Phật, du khách sẽ được gợi nhớ lại mong ước năm xưa của tiền nhân, những người nông dân đến khai sơn, cày cấy đất này. Có thể nói, đặt chân đến Linh Sơn, du khách càng hiểu rõ hơn cái gì là không - là sắc, tâm niệm sẽ thanh tịnh, nhẹ nhàng và thanh thản hơn rất nhiều.

Tìm về không gian du lịch tâm linh tại Bình Định - 2

Chùa Bà Nước Mặn (Ảnh: Trung Cận).

3. Chùa Bà - Nước Mặn: Chùa Bà là địa điểm chính, nơi diễn ra lễ hội Nước Mặn hằng năm. Chùa nằm ở vùng trung tâm cảng thị Nước Mặn xưa, ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km. Điều hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm chùa là kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, từ sau năm 1610 đến năm 1626. Chùa được xây dựng để phục vụ đời sống tâm linh của người Hoa xa xứ nên mang đậm dấu ấn kiến trúc chùa chiền của người Hoa. Quá trình hình thành chùa gắn liền với sự ra đời của cảng thị Nước Mặn từ thế kỷ XVI, đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của thương nghiệp thế giới. Vào chùa, bạn sẽ ngạc nhiên vì nơi đây không thờ Phật mà thờ Thiên Hậu thánh mẫu, một mẫu thần hộ mệnh, che chở cho người dân trên biển. Chùa còn thờ Quan thánh, thành hoàng và các vị thần thai sản, một biểu hiện sinh động của quá trình tiếp biến văn hóa. Các vị thần trong văn hóa người Việt và người Hoa được thờ tự tại đây không phân biệt xuất xứ, tạo sự hòa quyện hài hòa trong văn hóa Việt - Hoa.

4. Chùa Nhạn Sơn: Chùa Nhạn Sơn hiện nay đang nằm ở thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây thờ Phật và lưu giữ nguyên vẹn hai bức tượng khổng lồ của người Chămpa cách đây nhiều thế kỷ. Người dân địa phương rất tôn thờ hai pho tượng này, trải qua thăng trầm lịch sử, họ đã Việt hóa hai pho tượng như hai vị thần của người Việt, gọi tên là ông Đen, ông Đỏ. Hai pho tượng có kích thước khổng lồ, mỗi tượng cao 2,40 m, không kể phần bệ. Cả pho tượng và bệ tượng đều được tạc liền từ một khối đá. Nếu như bạn đi thăm thú thành Đồ Bàn (thành Bình Định ngày nay), tháp Phú Lốc, tháp Bình Lâm… ở thị xã An Nhơn, có lẽ bạn nên ghé thăm chùa Nhạn Sơn để chiêm ngưỡng hai pho tượng đá khổng lồ này, như một dấu tích kỳ vĩ của nền văn hóa Chămpa cách đây nhiều thế kỷ.

Tìm về không gian du lịch tâm linh tại Bình Định - 3

Tiểu chủng viện - Nhà Thờ Làng Sông (Ảnh: Dương Thông).

5. Tiểu chủng viện Làng Sông: Nằm yên bình giữa mênh mông biển lúa, tiểu chủng viện Làng Sông được mệnh danh là một góc Châu Âu trong lòng Bình Định mà ai đến đây cũng ngỡ ngàng. Cách thành phố không xa, lại gần rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, vì vậy, tiểu chủng viện Làng Sông từ lâu đã trở thành lựa chọn của du khách gần xa. Đi giữa hai hàng cây sao cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm tỏa bóng mát, tòa nhà chính của nhà thờ hiện ra với vẻ đẹp kỳ vĩ của kiến trúc Gothic. Dù được tu sửa rất nhiều lần nhưng tổng thể kiến trúc của công trình vẫn giữa nguyên sự hài hòa về màu sắc, đường nét. Ở mọi thời điểm trong năm, dù mưa hay nắng, tiểu chủng viện đều hiện lên với một dáng vẻ riêng rất đẹp mắt. Du khách dễ dàng có được những bức ảnh đẹp khi đến nơi đây. Đồng thời, nơi đây được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ, là 1 trong 3 nhà in sách Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam, rất nhiều du khách đến đây đều có chung cảm nhận tiểu chủng viện là nơi đáp ứng nhiều nhu cầu du lịch như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại…

6. Nhà thờ Chánh tòa Quy Nhơn: Sẽ thật thiếu sót khi tìm hiểu về kiến trúc Châu Âu trên mảnh đất Bình Định mà bỏ qua nhà thờ Chánh tòa Quy Nhơn. Đến nhà thờ Chánh tòa, bạn sẽ ngạc nhiên, thích thú bởi sự hoành tráng, mới mẻ của thiết kế nhà thờ, bởi không gian xanh mát, bởi những cổ vật độc đáo được lưu giữ bên trong. Đồng thời, bạn sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, ý nghĩa văn hóa lịch sử của một di tích tâm linh vô cùng giá trị này. Tọa lạc tại trung tâm thành phố, trên con đường hình thành từ những buổi đầu xây dựng thành phố, ở số 122 đường Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn. Đây là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Qui Nhơn. Bước vào trong nhà thờ, bạn sẽ choáng ngợp bởi không gian đồ sộ, hoành tráng của giáo đường. Bên trong giáo đường, không khí mát mẻ, thông thoáng lan tỏa khắp không gian. Bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào chốn thiên đường, nơi có các vị thánh đang chầu ngự. Cảm giác được che chở, bình yên, thiện lương sẽ theo bạn trong hành trình tham quan.

Tìm về không gian du lịch tâm linh tại Bình Định - 4

Chùa Thiên Hưng (Ảnh: Dương Thông).

7. Chùa Thiên Hưng: Thiên Hưng Tự được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; hướng chính điện nhìn ra cánh đồng lúa, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định. Kiến trúc chùa Thiên Hưng Bình Định được xem là đặc sắc nhất nhì "vùng đất võ" bởi sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống của kiến trúc Á Đông và kiến trúc hiện đại ngày nay. Dù không quá nguy nga, lộng lẫy nhưng chùa vẫn toát lên vẻ đẹp trang trọng và cổ kính kỳ lạ. Không cổ kính, không nằm ở vị trí có "hình sông thế núi" tuyệt vời nhất nhưng chùa Thiên Hưng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến Bình Định vì là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.

Có thể nói rằng, Bình Định là vùng đất "văn võ song toàn", có lẽ vì những truyền thống lịch sử - văn hóa - tâm linh nơi đây. Những ngôi cổ tự, những nhà thờ mang kiến trúc châu Âu… càng làm cho vùng đất này trở nên hấp dẫn và linh thiêng trong mắt của du khách. Trải qua sự biến thiên của thời gian, các di tích tâm linh vẫn giữ được nét độc đáo trong kiến trúc và tinh thần rộng mở đối với cuộc đời. Đây là những điểm đến yêu thích của du khách gần xa và nhân dân có tín ngưỡng trong cả nước. Du khách sẽ hết sức thán phục vì sự tài hoa trong nghệ thuật kiến trúc vừa ngạc nhiên vì những mẫu chuyện li kỳ về di tích. Mặt khác, không gian thanh tịnh, tươi mát của chốn tâm linh sẽ là nơi nghỉ ngơi tĩnh tâm cho du khách sau những ngày làm việc căng thẳng.