Tìm thấy 80 gương báu 2000 năm tuổi và điều bất ngờ khi lau sạch
(Dân trí) - Sau 2 thiên niên kỷ nằm dưới lòng đất, những chiếc gương được chôn cất theo người đã chết vẫn có thể soi được và chất lượng tốt.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Heritage Science Journal, 2 tác giả Jiafang Lian và Quentin Parker công tác tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc hé lộ các nhà khảo cổ học phát hiện 80 chiếc gương bằng đồng tinh xảo tại Thiểm Tây, Trung Quốc.
Cuộc khai quật do các nhà khảo cổ học tại Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây thực hiện ở một nghĩa địa ở làng Dabaozi, thành phố Hàm Dương. Nơi tìm thấy nhiều gương báu là nghĩa trang có 400 ngôi mộ của giới quý tộc thời nhà Hán.
Những hiện vật này được đánh giá ở trong tình trạng tuyệt vời dù trải qua 2 thiên niên kỷ nằm dưới lòng đất. Thậm chí, sau khi lau chùi sạch, vẫn có thể soi bằng những chiếc gương được khai quật. Ngoài ra, trên gương còn có những chữ khắc và biểu tượng của Trung Quốc khiến các chuyên gia vào cuộc nghiên cứu.
Những chiếc gương được tìm thấy có chiều dài từ 7-22cm, thường được chôn gần đầu hay xung quanh phần trên cơ thể của người đã chết trong lăng mộ.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy những món đồ tùy táng khác trong mộ như: gốm, đồ bằng ngọc, sắt và đồng. Một số chiếc gương có bốn chữ Hán tạm dịch là "ngôi nhà của sự thịnh vượng".
Chiếc gương đồng cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc là trong một cuộc khai quật ở tỉnh Cam Túc thuộc về nền văn hóa Qijia của Thời kỳ Đồ Đá Mới (2200 TCN - 1600 SCN).
Trong 3 thời kỳ Chiến quốc (475 TCN đến 221 TCN), nhà Hán (202 TCN - 220 SCN) và nhà Đường (618 SCN - 907 SCN), kỹ thuật làm đồ bằng đồng đã dần hoàn thiện, phong cách trang trí tinh tế, đa dạng ở thời Chiến quốc. Còn trong thời kỳ nhà Hán, số lượng sản xuất đã ở mức quy mô hàng loạt.