Thưởng thức đặc sản “rồng đất” ở Hải Dương
(Dân trí) - Có nhà văn đã từng viết: “Ở Bắc Việt, ăn rươi là một thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa”. Quả đúng là như vậy. Bất cứ ai đã từng thưởng thức các món ăn từ rươi cũng sẽ bị làm cho mê hoặc, cảm thấy nhớ nhung và quyến luyến mãi không nguôi.
Ở Hải Dương, con rươi xuất hiện rất nhiều ở các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà… Nhưng những thực khách sành ăn thì cho rằng, chỉ có rươi Tứ Kỳ là thơm ngon số 1 và xứng đáng được gọi là món lộc “trời cho”. Mùa rươi khá ngắn nên nếu bỏ lỡ, thực khách chỉ có thể thưởng thức mùa rươi chiêm hoặc đợi đến năm sau mới có cơ hội.
Thoạt nhìn, rươi có vẻ ngoài khá đáng sợ. Chúng giống những con giun đủ màu xanh đỏ, cuộn vào nhau bò lổm ngổm. Dân gian còn gọi rươi là con “rồng đất”. Thân rươi có nhiều lông tơ nhỏ, chúng xuất hiện nhiều vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, chủ yếu ở vùng nước lợ.
Khi nước ở sông tràn vào đồng vừa rút thì cũng là lúc người dân bắt đầu vào vụ đi “săn” rươi. Chỉ cần bổ vài nhát cuốc là đã thấy những con vật kỳ lạ, nửa giun nửa rết từ từ đùn đất chui lên, có con dài tới vài mét. Chẳng mấy chốc, chúng tự động phân khúc, đứt rời thành từng đoạn nhỏ và hình thành con rươi.
Cách đây vài năm, chỉ vài chục ngàn là có thể mua được một kg rươi. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, rươi rất khan hiếm, giá bán lên đến 450.000 đồng. Rươi chính vụ kéo dài chỉ mấy ngày, nhưng vậy cũng là đủ cho nhiều hộ kiếm được tiền triệu.
Từ lúc rươi được bắt lên, chúng sống trong lớp nhớt tự tiết ra, sau đó yếu dần đi và chết. Bởi vậy khi mua rươi, cần lưu ý chọn những con bò được, thân mập có màu hồng, thả vào nước sẽ thấy bơi rất nhanh. Ngược lại, rươi yếu hoặc sắp chết có màu xanh, xanh đậm ngả sang đen, ăn không ngon, khi đánh ít tan, rán lên sẽ rất khô.
Sau khi thu hoạch, những mẻ rươi tươi rói được bán lại cho các nhà hàng đặc sản hay khu chợ lớn. Vẻ ngoài xấu xí là vậy, nhưng người ta có thể chế biến rươi thành nhiều món thơm ngon như rươi om nồi đất, nem rươi, mắm rươi, rươi hấp, thậm chí có nơi còn làm canh rươi. Nhưng trên tất thảy, nổi tiếng nhất vẫn là chả rươi.
Chả rươi, theo cách gọi một số nơi là rươi đúc trứng, là một trong những món chả rán đặc biệt của người Việt. Đối với vùng quê Hải Dương, chả rươi là món ăn có thể làm hài lòng cả những vị khách khó chiều nhất.
Dù mỗi vùng có cách chế biến riêng, nhưng làm theo kiểu nào vẫn có chung các nguyên liệu chính, từ thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành hoa, thìa là, chút ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt. Nghe thì đơn giản, nhưng thiếu đi một nguyên liệu cũng coi như “hỏng” cả món ăn tinh túy. Tuy ít phổ biến hơn, nhưng có nơi người ta còn cho thêm lá chanh hoặc lá lốt thái chỉ để gia tăng hương vị.
Rươi tươi sống sau khi được sơ chế sạch, nhặt hết rác, sẽ đem rụng qua nước sôi tầm 90 độ để “làm lông”. Khi trút nguyên liệu chính vào bát, người nấu bếp sẽ cho cùng thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành lá, thìa là kèm gia vị nước mắm rồi đánh nhuyễn. Sẽ không đúng vị chả rươi nếu thiếu đi vỏ quýt. Tuy không cho nhiều nhưng tinh dầu của vỏ quýt tăng thêm hương vị đặc biệt, đồng thời giúp món ăn dễ tiêu hơn.
Khi hỗn hợp đủ dẻo, người ta sẽ đưa lên chảo rán. Thông thường, dùng mỡ nước rán chả sẽ cho thành phẩm thơm ngon hơn. Món rươi thành công khi có phần vỏ ngoài vàng ruộm màu cánh gián, ruột mềm ngọt đậm.
Chả rươi ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm, chấm trong nước mắm pha chanh ớt đậm đà, quyện chút ớt cay và hạt tiêu bắc thơm lừng. Vào ngày miền Bắc chuyển lạnh, đĩa chả rươi trong mâm cơm gia đình có khả năng gắn kết mọi thành viên.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rươi cũng xuất hiện ở một số tỉnh và được người dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đặc chế thành nước mắm.
Theo truyền thuyết, khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải đã dùng nước mắm rươi hằng ngày trong bữa cơm. Thấy hương vị thơm ngon đặc biệt nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm. Từ đó, nước mắm rươi còn có tên gọi “nước mắm ngự”.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp