Thót tim với khoảnh khắc máy bay vừa cất cánh đã bị sét đánh chao đảo
(Dân trí) - Chiếc Boeing 777 chở khách khởi hành từ sân bay quốc tế ở thủ đô Amsterdam cất cánh chưa được bao lâu bỗng bị sét đánh chao đảo. Rất may mắn, chuyến bay vẫn tiếp tục và hạ cánh an toàn ở sân bay Peru theo đúng kế hoạch.
Đoạn video ghi lại khoảnh khắc chiếc Boeing 777 chở khách từ sân bay Schipol ở Amsterdam (Hà Lan) bay vào đám mây tĩnh điện và bị sét đánh khi vừa cất cánh thu hút hơn 140,000 lượt xem chỉ trong chưa tới 1 ngày.
Cụ thể, máy bay của hãng hàng không KLM bị sét đánh trúng khi đang trên hành trình từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan) tới thủ đô Lima (Peru). Rất may mắn, máy bay gần như không ảnh hưởng nhiều sau sự cố, vẫn tiếp tục lên đường và hạ cánh an toàn tại sân bay ở Lima theo đúng kế hoạch.
Chuyện máy bay bị sét đánh khiến nhiều người sợ hãi. Nhưng theo các chuyên gia, hiện tượng máy bay gặp sét là điều không hiếm gặp và nó xảy ra khá thường xuyên. Thông thường, hành khách ngồi trong khoang không nhận thấy máy bay của mình bị đánh trúng hoặc chỉ xoẹt một khoảnh khắc nhấp nháy rất nhanh.
Cũng vào tháng 1 năm nay, chiếc Boeing 747 chở khách từ sân bay quốc tế ở Moscow, Nga tới thành phố Sochi cất cánh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong hành trình kéo dài 2h20 phút, máy bay bị sét đánh trúng nhưng may mắn tất cả vẫn an toàn và hạ cánh đúng giờ.
Trước đó, một thảm kịch hàng không tồi tệ từng xảy ra liên quan đến sét đánh từng xảy ra tại bang Maryland của Mỹ vào tháng 12/1963. Khi đó, chiếc Boeing 707-121 của Pan Am bị sét đánh trúng khiến nhiên liệu bị đốt cháy, gây ra vụ nổ kinh hoàng khiến 81 người thiệt mạng.
Theo ước tính của một công ty công nghệ của Mỹ, trung bình, một chiếc máy bay thương mại tại quốc gia này bị sét đánh nhiều hơn 1 lần mỗi năm. Khi trúng sét, máy bay phải hạ độ cao hoặc hạ cánh khẩn cấp hay chuyển bay sang hướng khác nhằm đảm bảo an toàn. Những máy bay tư nhân được cho là ít bị sét đánh hơn, vì kích thước nhỏ hơn và dễ tránh những nơi có điều kiện thời tiết xảy ra sét.
Kể từ năm 1930, máy bay thương mại được thiết kế tính năng bảo vệ trước ảnh hưởng của sét. Cơ bản, thiết kế của máy bay đảm bảo các dòng điện chỉ chạy quanh thân, không ảnh hưởng tới bên trong.
Thông thường, máy bay của các hãng hàng không đều nên tránh bay qua khu vực có bão, giông sét. Trong hành trình bay, phi công là người chú ý tới những thay đổi nhỏ nhất của điều kiện thời tiết. Ngày nay, phi công đều được thử nghiệm và kiểm tra xác nhận tính an toàn khi bay trong điều kiện thời tiết có sét.
Huy Hoàng
Theo Mirror/DM