Thổ dân sống biệt lập trong rừng rậm bị nhiễm Covid-19

(Dân trí) - Dù bộ tộc này sống biệt lập trong rừng sâu, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhưng một thổ dân đã dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mối đe dọa dịch bệnh Covid-19 tới các bộ tộc ở Amazon

Ngày 8/4, chính phủ Brazil chính thức lên tiếng về trường hợp thổ dân đầu tiên người Yanomami trong rừng rậm Amazon có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đó là một thiếu niên thuộc bộ tộc Yanomami - một nhóm người bản địa sống biệt lập trong rừng sâu, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài và dễ bị tổn thương trước các bệnh ngoại lai.

Thổ dân sống biệt lập trong rừng rậm bị nhiễm Covid-19 - 1
Người Yanomami sống sâu trong rừng rậm Amazon, rất dễ tổn thương trước những căn bệnh ngoại lai từ thế giới bên ngoài

"Chúng tôi xác nhận trường hợp đầu tiên của bộ tộc Yanomami nhiễm virus. Đây là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta phải thận trọng gấp 3 lần với các cộng đồng bản địa, đặc biệt là những bộ tộc ít tiếp xúc với thế giới", Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta chia sẻ trong một buổi họp báo.

Bệnh nhân là một thổ dân 15 tuổi, đang điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện tại Boa Vista, thủ phủ của bang Roraima thuộc phía bắc Brazil.

Thổ dân sống biệt lập trong rừng rậm bị nhiễm Covid-19 - 2
Hiện ít nhất 7 trường hợp thổ dân Amazon ở Brazil đã nhiễm Covid-19s

Chính phủ nước này hiện đã xác nhận ít nhất 7 trường hợp nhiễm bệnh là thổ dân Amazon. Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ thuộc bộ tộc thiểu số, 20 tuổi, đang được điều trị tích cực.

Thổ dân sống biệt lập trong rừng rậm bị nhiễm Covid-19 - 3

Brazil là nơi sinh sống của khoảng 800.000 thổ dân của hơn 300 bộ tộc thiểu số. Những thổ dân sống trong rừng rậm Amazon là những đối tượng rất dễ tổn thương trước bệnh dịch từ thế giới bên ngoài bởi họ chưa từng tiếp xúc với virus, vi khuẩn mà người thường từng miễn dịch.

Nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã lên án và hạn chế các hoạt động du lịch đưa khách tới khám phá đời sống văn hóa của người bản địa.

Tộc người Yanomami được biết tới với truyền thống vẽ mặt, xỏ khuyên, có khoảng 27.000 người. Bộ tộc này từng bị cô lập với thế giới cho tới giữa thế kỷ 20. Vào những năm 1970, bộ tộc Yanomami bị "tàn phá" bởi dịch bệnh sởi và sốt rét.

Huy Hoàng

Theo Bangkokpost

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm