Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -53 độ C và cũng ô nhiễm nhất?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Vùng đất chìm trong bóng đêm suốt 7 tháng. Nền nhiệt có lúc hạ sâu xuống -53 độ C và được mệnh danh là "thành phố buồn nhất thế giới".

Một vùng đất ở phía bắc Siberia, Nga, với dân số khoảng 170.000 người, nhận được danh hiệu chẳng mấy ai thích thú - "Thành phố buồn nhất thế giới".

Đó là thành phố Norilsk có vị trí địa lý nằm ở cực bắc nhất hành tinh. Không chỉ bị coi là "nơi buồn nhất", nơi này còn "khắc nghiệt nhất thế giới".

Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -30 độ C và cũng ô nhiễm nhất?

Norilsk nằm ở nơi vô cùng hẻo lánh, gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Thành phố này gần Bắc Cực hơn thủ đô Moscow, cách xa Vladivostok và Thái Bình Dương.

Việc di chuyển bằng đường bộ tới đây gần như là điều không thể. Thay vào đó, chỉ có một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa ra biển và cảng Dudinka. Tốt nhất tới Norilsk là đi bằng máy bay dù điều này cũng không dễ dàng.

Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -53 độ C và cũng ô nhiễm nhất? - 1
Norilsk, nơi được mệnh danh là "thành phố buồn nhất thế giới" (Ảnh: Emerging Europe).

Sau hơn 5 tiếng bay từ Moscow, khung cảnh của "thành phố buồn" mở ra trước mắt không mấy hấp dẫn. Thành phố được xây từ những năm 1930, là một phần của trại lao động. Hầu hết các tòa nhà tại đây được tù nhân xây dựng.

Do quá biệt lập nên Norilsk không thu hút khách du lịch cũng như người tới nhập cư. Mãi tới năm 2017, thành phố mới được kết nối Internet hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hơn 177.000 người vẫn lựa chọn bám trụ cuộc sống ở đây, biến Norilsk trở thành "thành phố lớn nhất ở Bắc Cực".

Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -53 độ C và cũng ô nhiễm nhất? - 2
Mùa đông, nhiệt độ hạ sâu xuống âm hàng chục độ C (Ảnh: Russia).

Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng -10 độ C. Mức thấp kỷ lục từng ghi nhận tại đây là -53 độ C. Vào mùa đông, suốt 7 tháng liền, vùng đất này chìm trong bóng tối không thấy ánh mặt trời.

Những ngày lạnh đỉnh điểm, thậm chí người dân không dám đi ra đường vì sợ bị đóng băng đến chết. Tuy nhiên vào khoảng tháng 6 và tháng 7, mặt trời xuất hiện gần như 24/7 khiến thành phố luôn sáng cả ngày lẫn đêm.

Được biết, cư dân sống tại đây hầu hết là con em của những thợ mỏ. Họ được đưa tới Norilsk để khai thác đồng và niken. Do nền kinh tế chính của thành phố dựa vào ngành công nghiệp khai thác, nên môi trường sống rất độc hại.

Theo Skratch, quá trình nấu chảy niken tại khu công nghiệp Norilsk gây ra mức độ ô nhiễm "cao khủng khiếp". Số liệu thống kê cho thấy, đây không chỉ là thành phố ô nhiễm nhất của Nga, còn là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới dù có diện tích rất nhỏ. Chính quyền thành phố đã chi khoảng 3,5 tỷ USD để hiện đại hóa khu mỏ, làm sạch khí thải.

Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -53 độ C và cũng ô nhiễm nhất? - 3
Đây là một trong những thành phố ô nhiễm trên thế giới (Ảnh: Orange Smile).

Bên cạnh những trận mưa bão tuyết, người dân nơi này thường xuyên hứng chịu cơn mưa axit. Năm 2016, dòng sông Daldykan gần Norilsk chỉ sau một đêm đã chuyển sang màu đỏ. Nhiều người tin rằng, đây là hậu quả của việc rò rỉ đường ống nước thải của một công ty khai thác lớn trong thành phố.

Thành phố nào buồn nhất thế giới, lạnh -53 độ C và cũng ô nhiễm nhất? - 4
Du khách không thể tự ý đến thăm thành phố này (Ảnh: News).

Nhưng bất chấp khí hậu khắc nghiệt và nguy hiểm, suốt thời gian dài, hàng trăm nghìn người đổ về Norilsk làm việc cho các nhà máy khai thác khoáng sản. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao? Theo Skratch, lý do lớn nhất là tiền. Tỷ lệ công việc tại thành phố cao hơn so với các vùng nông thôn của nước Nga. Mức thu nhập của người dân ở đây cũng khá hơn. Bởi vậy, nhiều người vẫn chấp nhận chuyển tới sinh sống vài năm để kiếm sống.

Một điểm đáng lưu ý khác là, du khách không thể tự ý đến thăm thành phố này, trừ khi xin được giấy phép đặc biệt của chính phủ Nga. Điều này càng biến Norilsk trở thành điểm đến bí ẩn trên thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm