“Thành phố ma” với khung cảnh hoang tàn sau thảm họa hạt nhân
(Dân trí) - Hơn 5 năm trôi qua kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011, đến nay khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn là “vùng đất chết” với những khung cảnh tiêu điều, hoang tàn.
Keow Wee Loong, nhiếp ảnh gia 27 tuổi đến từ Malaysia, có hành trình khám phá những thị trấn thuộc vùng đất chết Fukushima - Tomioka, Okuma, Namie và Futaba cùng nhóm bạn mình vào tháng 6 vừa qua. Đeo mặt nạ khí nhưng không mặc quần áo bảo hộ, nhiếp ảnh gia tới khu vực này để ghi lại khung cảnh tiêu điều, hoang tàn kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011.
Hơn 5 năm trôi qua, đến nay, khu vực xung quanh bán kính 20km của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đều bị phong tỏa. Thảm họa sóng thần động đất đồng loạt xảy ra, gây ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, khiến một số khu vực thuộc vùng đông bắc bị bỏ hoang. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernoby . Người dân được sơ tán ngay sau đó, nhưng hình ảnh cũ của một thị trấn bình yên từng có người ở vẫn còn nguyên vẹn.
Chùm ảnh của nhiếp ảnh gia người Malaysia khiến người xem bị ám ảnh. Người ta thấy một thành phố đổ nát, như bị mắc kẹt lại cùng thời gian. Mọi thứ đã bị đóng băng vĩnh viễn. “Cư dân ở đây sơ tán rất khẩn cấp. Họ không kịp đóng gói hay mang theo những vật dụng có giá trị. Nếu bước vào những cửa hàng ở đây, bạn vẫn thấy những món đồ từ năm 2011. Không có gì thay đổi hoặc dịch chuyển”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.
“Thậm chí tôi còn tìm thấy những món tiền trong cửa tiệm chơi pachinko – một loại máy đánh bạc, đồ trang sức bằng vàng hay những vật dụng đắt tiền còn sót lại. Fukushima thực sự là thành phố ma”, Loong cho biết thêm.
Do mức độ phóng xạ cao nên chỉ một số lượng hạn chế các nhà khoa học, nghiên cứu mới được bước vào đây. Họ phải mang theo mặt nạ chống độc, bảo vệ mình khỏi bầu không khí ô nhiễm. “Mức độ phóng xạ trong khu vực màu đỏ có thể tăng cao từ 4,8 mSv - 6,5 mSv. Chỉ số này hiển thị trên bảng điện tử trên đường. Bước tới khu vực báo động màu đỏ, tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi hóa chất và cảm giác bỏng rát ở vùng mắt”, anh nói.
Tại khu vực báo động màu đỏ, cảnh sát liên tục bao vây. Bởi vậy nhóm nhiếp ảnh gia phải đột nhập vào thời điểm ban đêm để tránh sự chú ý từ lực lượng bảo vệ. “Khi bước vào trung tâm mua sắm, tôi cảm nhận sự im lặng đến rợn người. Thời gian như bị đóng băng. Bên trong đầy hàng hóa nhưng trống rỗng. Tôi có thể khám phá bất cứ nơi nào nếu muốn. Điều này khiến tôi quay lại giấc mơ thời thơ ấu, được bước vào trung tâm lớn đầy hàng hóa nhưng không có người. Trên kệ vẫn còn bày bán những cuốn sách hay đĩa DVD về phim ảnh của năm 2011”, nhiếp ảnh gia tiếp lời.
Đúng như tên gọi của “vùng đất chết”, trên đường phố Fukushima thậm chí vẫn còn hệ thống đèn giao thông đang hoạt động. Xe cộ xuất hiện nhiều trên đường phố, nhưng đương nhiên không chiếc nào hoạt động. Và tuyệt nhiên không có sự hiện diện của con người.
Việt Hà
Theo DM