Thanh Hóa công bố biểu trưng du lịch và đón khách quốc tế
(Dân trí) - Chiều 11/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến địa phương này.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…
Thực hiện đề án xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tham mưu tổ chức triển khai lựa chọn, đặt hàng đơn vị tư vấn thiết kế bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa.
Thông qua các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và xin ý kiến rộng rãi của các cấp, các ngành, biểu trưng (logo) và bộ nhận diện du lịch Thanh Hóa được hoàn thiện và được UBND tỉnh này phê duyệt.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, biểu trưng du lịch Thanh Hóa hàm chứa đầy đủ sắc màu bốn mùa, từ du lịch biển đến du lịch giữa đại ngàn.
Biểu trưng du lịch Thanh Hóa có nhiều màu sắc, như màu xanh lá cây, màu cam, màu đỏ, màu nâu, màu xanh dương. Mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho các sản phẩm du lịch theo từng khu vực. Ngoài ra, biểu trưng còn có hình cách điệu mái chèo, cánh diều, cánh sóng, dưa hấu, hòn Trống - Mái, và đặc biệt là di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Ngoài công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa, tại buổi lễ, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong nhiều năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu khái quát về tổng quan du lịch tỉnh Thanh Hóa và những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, vị trí chiến lược cùng những cơ chế, chính sách trong kích cầu du lịch để Thanh Hóa trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch cả nước và quốc tế.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng của vùng núi và trung du, vùng đồng bằng, vùng ven biển; sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế với Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn; có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội với 102 km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã và nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, hấp dẫn… Vì vậy, Thanh Hóa có điều kiện để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, với nhiều giải pháp quyết liệt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, đến thời điểm này có thể khẳng định, tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tỉnh Thanh Hóa quyết tâm xây dựng địa phương trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2022.