Thăm đảo Bali, nơi vẹn nguyên bản sắc dân tộc
(Dân trí) - Từ xưa người Việt biết đến Indonesia với cái tên đầy hình tượng - “Nam dương quần đảo”. Indonesia là một quốc gia ASEAN nằm giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Indonesia đúng như cái tên vạn đảo, gồm 17.508 hòn đảo với dân số đứng thứ tư thế giới, gần 240 triệu người. Đây là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; Thủ đô là Jakarta cũng đồng thời là thành phố lớn nhất. Nhưng địa danh thế giới biết nhiều, đến nhiều ở Indonesia lại là Bali.
Con số thống kê cho thấy riêng năm 2011 đã có 13 triệu lượt khách quốc tế đến Bali, cần nhớ rằng cũng năm đó Việt Nam đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, để thấy Bali hấp dẫn du khách quốc tế như thế nào!
Đến sân bay trên đảo Ba li, du khách có cảm tình ngay với những vòng hoa đại vàng chào đón.
Bali là một hòn đảo của Indonesia nằm cực tây của Quần đảo Nusa Tenggara, là 1 trong 33 tỉnh của Indonesia. Dân số hơn 3 triệu người, diện tích không rộng, nhưng ngay từ khi người phương tây chiếm cứ vùng đất này , từ hơn 300 năm trước họ đã nhìn ra ưu thế, nhìn thấy triển vọng đây là “thiên đường du lịch” hàng đầu thế giới.
Vì vậy, nếu như nhiều nơi, các thế lực “thực dân” tập trung khai thác kiệt quệ tài nguyên, thì ở đây họ chủ trương bảo toàn nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn bản sắc dân tộc tại chỗ, đồng thời không cho xây nhà máy, công xưởng, không thành lập các đồn điền, trang trại cà phê, ca cao…
Nhờ vậy, hôm nay, đến Bali với bốn bề biển xanh cát vàng, nhiều nơi gần như nguyên sơ du khách tha hồ phơi nắng, lặn biển …và trong một phạm vi chưa đầy 6 ngàn cây số vuông có tới 7 ngọn núi lửa đã và đang hoạt động với hệ thống thực vật nguyên sinh đầy thơ mộng, nhưng cũng rất kỳ bí.
Bali là xứ sở của gần 20.000 đền, miếu. Tôi muốn dùng từ “Miếu” để mô tả một số cơ sở thờ tự mà nhiều người gọi là đền. Thực ra ở từng gia đình người dân bản địa họ đều có xây miếu thờ trước nhà. Không cần vào làng, chỉ ngồi trên xe chạy dọc các con đường xuyên đảo du khách rất dễ nhận ra nhà nào cũng có ít nhất vài ba nhà thờ kiểu nhà thờ họ tộc, hoặc miếu thờ trước sân nhà.
Đôi lúc, tôi liên tưởng tới cái Thiên đài thờ trời trước các gia đình của nhiều địa phương ở miền trung nước ta. Tất nhiên, những nhà thờ , miếu thờ gia đình ở Bali lớn hơn, kiểu như miếu thôn xóm ở nước ta. Đặc trưng của các đền thờ lớn là hai cánh cổng. Nhớ hôm đến Lâm Tì Ni xứ Nêpal xa lạ, khi lướt qua cổng Tam quan một ngôi chùa, thì ai cũng thấy thân quen lạ thường bởi đây chính là cổng vào Việt Nam Phật quốc tự.
Trên đảo Bali hai cánh cổng vào các ngôi đền hết sức đặc trưng. Cánh cổng mở ra để bước vào thế giới Thần linh như hai nửa quả trứng đươc tách đôi, như hai cánh sen úp vào… Đây là những công trình điêu khắc hết sức tinh vi và có lẽ ai đã từng đến Bali chắc chắn sẽ có những kiểu ảnh chụp tại các cổng đền thờ.
Mỗi lần qua cổng đền Bali tôi lại nhớ đến loại cổng đền Torji màu đỏ ở nước Nhật và đặc biệt là hàng ngàn chiếc cổng Torji ở đền Fushimi Inari…
Hàng vạn ngôi đền, bởi vậy dù bạn đến thời điểm nào cũng có thể bắt gặp những lễ hội nơi đây. Có tư liệu cho rằng người phụ nữ ở đây đã dành tới 1/3 thời gian thức trong ngày để thực hiện các công việc chuẩn bị lễ vật và nghi thức cúng bái. Lễ vật cúng bái đặt ở các bàn thờ, và các tượng thần cũng khá đơn giản, một đĩa hoa khiến tôi nhớ lại những đĩa hoa cúng ở Hà Nội trước năm 1954.
Lễ vật cúng
Ulun Danu Beratan – Ngôi đền được in trên tiền giấy Indonesia
Danu là nước Ulun Danu, là ngôi đền thờ thần nước được nhà vua Mengui xây dựng từ năm 1633 trên mặt hồ Beratan vốn là một miệng núi lửa đã ngừng phun ở độ cao 1200 m. Chúng ta thường nghe bài hát “Hồ trên núi”, đến đây mới thấy cái cảnh hư hư thực thực đúng là bông lai tiên cảnh. Người hướng dẫn du lịch đưa đồng tiền Indonesia ra và chỉ cho chúng tôi cảnh ngôi đền được in trên đó, và không ai bảo ai, người nào cũng muốn mình có một bức hình ở ngôi đền đặc biệt này. Phải chăng đây cũng là một kinh nghiệm hay trong du lịch!
Qua nhiều vùng, hình ảnh đập vào mắt du khách là những đỉnh tháp nhiều tầng từ những ngôi đền vươn cao hàng chục mét, nhìn xa cứ tưởng được xây dựng bằng một loại xi măng đen nào đó. Nhưng đến tận nơi hóa ra đươc lợp bằng lá dừa. Nhiều lớp lá dừa qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn...
Những mái đền lợp bằng lá dừa đặc trưng trên đảo Bali
Ngôi đền Mẹ, được xem là ngôi đền cổ lớn nhất ở Bali là Besakih với hơn 1.200 năm lịch sử. Hai ngôi đền nổi tiếng khác là Uluwatu và Tanah Lot thu hút hàng triệu du khách đến viếng thăm nhờ sự linh thiêng lẫn vẻ đẹp kỳ vĩ của nó.
Đến Bali, thăm phong cảnh núi cao sườn dốc dựng đứng uốn mình mềm mại tầng tầng lớp lớp chân ruộng bậc thang vàng óng, những rừng trúc lòa xòa đưa du khách bước vào động tiên trầm mặc. Bali cũng có nhiều hoa quả nhiệt đới nhưng ấn tượng nhất có lẽ là một loại quả hình trái tim có lông mềm ăn như mít của ta.
Nhưng Bali còn có những làng nghề điêu khắc, dệt vải, thủ công mỹ nghệ… mà hình như đến nơi này người ta trở lại với một thời xa xưa.
Bali còn là nơi dân ca dân vũ từ ngàn năm được bảo tồn khai thác một cách hữu hiệu để du khách một lần đến đắm mình trong những câu chuyện mà cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác để làm người xem cảm thấy nhẹ nhàng hướng thiện sau buổi đến thăm.
Nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đến Bali rồi lại muốn quay lại bởi cái vẻ hoang sơ trầm mặc từ ngàn đời. Núi cao, biển rộng và đặc biệt là con người, tôn giáo sống trong sự hòa đồng bình yên… Lớp trẻ đến vì muốn có một tuần trăng mật đặc biệt trong đời còn người già đến muốn gặp lại cái thanh thản bình yên trong thiên nhiên và đời sống tâm linh lạ mà quen.
Nguyễn Lương Phán