Tại sao lúc máy bay cất và hạ cánh lại nguy hiểm nhất?
(Dân trí) - Căn cứ theo số liệu điều tra từ hãng hàng không, phần lớn tai nạn máy bay thường xảy ra ở 2 giai đoạn này.
Cả chuyến bay được chia thành nhiều giai đoạn, nhưng trong đó, cất cánh và hạ cánh được cho là hai thời điểm nguy hiểm nhất.
Mỗi năm, hãng Boeing luôn thống kê những vụ tai nạn máy bay và phân loại xem chúng xảy ra vào thời điểm nào trong chuyến bay. Kết quả từ số liệu điều tra phân tích một chuyến bay kéo dài 1 tiếng 30 phút sẽ chia thành 8 giai đoạn, nhưng chúng ta chỉ cần nhìn vào 5 giai đoạn chính.
Đầu tiên là giai đoạn cất cánh và phi công đưa máy bay đạt độ cao nhất định. Giai đoạn này chỉ chiếm 2 % toàn bộ chuyến bay, nhưng tỷ lệ tai nạn chiếm tới 14 %.
Giai đoạn hạ độ cao và hạ cánh chiếm khoảng 4 % cả chuyến bay. Nhưng theo thống kê, tỷ lệ tai nạn chết người xảy ra vào giai đoạn này chiếm tới 49 %. Những con số trên khiến giai đoạn chuẩn bị hạ cánh và hạ cánh là thời gian nguy hiểm nhất trong cả chuyến bay.
Theo Phó giáo sư Antony Brickhouse đến từ trường Đại học Embry-Riddle Aeronautical, "cất cánh và hạ cánh được gọi là thấp và chậm". Ở giai đoạn này, nếu máy bay gặp sự cố, phi công có rất ít thời gian để xử lý.
Cụ thể, nếu bay ở độ cao trên 11.000 m, phi công có nhiều thời gian và cả không gian để xử lý mọi việc. Thậm chí ngay cả khi 2 động cơ máy bay ngừng hoạt động, máy bay sẽ hạ 1,6 km độ cao cho mỗi 10 km, giúp phi công có ít hơn 8 phút tìm ra nơi hạ cánh.
Tuy nhiên, nếu sự cố xảy ra trên mặt đất thì sao? Con số này sẽ giảm đáng kể. Cơ trưởng gần như không có thời gian để quyết định cũng như điều khiển sao cho "con quái vật" bằng kim loại nặng 88 tấn dừng lại.
Những con số thống kê phía trên nghe có vẻ đáng sợ, những nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, đường hàng không là cách an toàn nhất để du lịch, di chuyển khắp nơi.
Hoàng Hà
Theo BI